Chỉ thị 14/2011/CT-UBND triển khai Nghị định 72/2009/NĐ-CP quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
Số hiệu | 14/2011/CT-UBND |
Ngày ban hành | 30/11/2011 |
Ngày có hiệu lực | 10/12/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký | Phùng Quang Hùng |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2011/CT-UBND |
Vĩnh Yên, ngày 30 tháng 11 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 72/2009/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN AN NINH, TRẬT TỰ ĐỐI VỚI MỘT SỐ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
Trong các năm qua công tác quản lý an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện thực hiện Nghị định 08/2001/NĐ-CP của Chính Phủ đã được các cấp, các ngành, thủ trưởng các đơn vị lực lượng vũ trang quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đưa công tác quản lý an ninh trật tự trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh vào nề nếp, chặt chẽ, hiệu quả nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, góp phần chủ động phòng ngừa các vi phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cơ sở kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, phục vụ tốt công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên công tác này trong thời gian qua còn bộc lộ những tồn tại, thiếu sót như công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về quản lý kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự của các cấp, các ngành, các đơn vị còn chưa sâu rộng, chưa thường xuyên, tình trạng chấp hành các quy định của nhà nước về an ninh trật tự của các cơ sở kinh doanh chưa nghiêm, đáng chú ý là tình trạng kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự vẫn xẩy ra, lợi dụng cơ sở vi phạm pháp luật hoặc để các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự xảy ra trong các cơ sở như: đánh bạc, mại dâm (trong các cơ sở kinh doanh lưu trú), sử dụng vũ khí trả thù, gây rối trật tự công cộng (vũ trường)…, cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, là vật chứng các vụ án (trong các cơ sở dịch vụ cầm đồ).... Tình hình trên đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngày 03/9/2009 Chính Phủ có Nghị định 72/2009/NĐ-CP về quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự thay thế Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/01/2001 của Chính Phủ. Ngày 05/10/2010 Bộ Công an có Thông tư số 33/2010/TT- BCA quy định cụ thể điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Để chấn chỉnh các tồn tại trên đồng thời triển khai có hiệu quả Nghị định 72/2009/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư số 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an; Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng (Đài Phát thanh truyền hình Vĩnh Phúc, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin điện tử của tỉnh) có trách nhiệm phổ biến tuyên truyền sâu rộng nội dung Nghị định 72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính Phủ và Thông tư số 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an quy định cụ thể điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tới các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế và đông đảo quần chúng nhân dân biết và nghiêm túc thực hiện.
2. Các cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch đầu tư, UBND các huyện, thành phố, thị xã) khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự quy định tại Nghị định 72/2009/NĐ-CP, Thông tư số 33/2010/TT-BCA thuộc mọi thành phần kinh tế sau đây thực hiện việc đề nghị cấp an ninh trật tự tại cơ quan công an có thẩm quyền và thực hiện nghiêm các điều kiện về an ninh trật tự theo quy định:
a) Sản xuất con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang; dấu chức danh, dấu tiêu đề, dấu chữ ký và các loại con dấu khác.
b) Sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) gồm hoạt động sản xuất, tái chế, bảo quản, mua, bán thuốc nổ công nghiệp và phụ kiện nổ công nghiệp để sử dụng cho mục đích dân dụng.
c) Hoạt động sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên) gồm dịch vụ nổ mìn và các ngành, nghề mà trong quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp hoặc Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên).
d) Sản xuất, kinh doanh, sửa chữa công cụ hỗ trợ, gồm các hoạt động sản xuất, lắp ráp, mua, bán công cụ hỗ trợ, phụ kiện của công cụ hỗ trợ, sửa chữa công cụ hỗ trợ.
đ) Sản xuất pháo hoa, gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa và nguyên liệu cho sản xuất pháo hoa.
e) Cho thuê lưu trú, gồm các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ hoặc các hình thức cho thuê lưu trú khác cho khách nghỉ qua đêm hoặc theo giờ.
Tổ chức, cá nhân cho công dân Việt Nam thuê nhà để ở, lao động, học tập không thuộc đối tượng điều chỉnh tại Nghị định số 72/2009/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư số 33/2009/TT-BCA nhưng phải thực hiện theo quy định của Luật Cư trú.
g) Cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài thuê nhà để ở hoặc làm văn phòng.
h) Hoạt động in, bao gồm in chế bản, in, gia công sau in và Photocopy mầu.
i) Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm các hoạt động kinh doanh cho vay tiền với điều kiện người vay phải có tài sản cầm cố.
k) Kinh doanh karaoke, gồm các hình thức kinh doanh hoạt động ca hát theo băng hình, đĩa hình hoặc các công nghệ ghi hình khác.
l) Kinh doanh vũ trường, gồm các hình thức kinh doanh hoạt động khiêu vũ tại các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
m) Kinh doanh dịch vụ xoa bóp (massage, tẩm quất), gồm các phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi và nâng cao sức khoẻ con người (trừ các cơ sở giải quyết việc làm cho người khuyết tật).
n) Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
o) Kinh doanh casino.
p) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
q) Kinh doanh khí dầu mỏ hoá lỏng LPG (gas), gồm đại lý kinh doanh gas, các cửa hàng bán gas chai, trạm nạp gas vào chai và ô tô, trạm cấp gas.
r) Sản xuất, kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhập khẩu cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên của xe cơ giới.
t) Sửa chữa súng săn, gồm các hoạt động sửa chữa, thay thế các phụ kiện của các loại súng săn khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự ngoài việc phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nuớc có thẩm quyền phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự với cơ quan công an có thẩm quyền và chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự.
4. Công an tỉnh chủ trì và xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 72/2009/NĐ-CP của Chính Phủ và Thông tư số 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an, hướng dẫn kiểm tra đôn đốc các ngành, các cơ quan tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời mở đợt rà soát, tổng kiểm tra công tác quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; phối hợp với các ngành có liên quan chấn chỉnh hoạt động của các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh đúng pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương và phục vụ thực hiện chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.