Chỉ thị 01/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 01/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 19/05/2011
Ngày có hiệu lực 29/05/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Một
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2011/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 19 tháng 5 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỐI VỚI MỘT SỐ NGÀNH, NGHỀ KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN VỀ AN NINH, TRẬT TỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Ngày 22/02/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP quy định về điều kiện an ninh, trật tự (ANTT) đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; ngày 04/5/2001 Bộ Công an ban hành Thông tư số 02/2001/TT-BCA về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 08/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Sau hơn 09 năm tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh, cho thấy đây là một trong những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp kinh doanh theo luật định, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT trong thời gian qua đã dần đi vào nề nếp. Các chủ cơ sở kinh doanh đã có ý thức trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị đảm bảo đúng quy định của Nhà nước về điều kiện ANTT đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Công tác quản lý Nhà nước về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT đã được chú trọng và tăng cường; các hành vi vi phạm trong hoạt động từng bước được hạn chế góp phần quan trọng vào phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.

Tuy nhiên, công tác quản lý về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vẫn còn sơ hở, thiếu sót, một số quy định của pháp luật chưa phù hợp. Trong thời gian qua việc vi phạm các quy định của Nhà nước còn khá phổ biến, nhiều cơ sở kinh doanh không có giấy phép, địa điểm kinh doanh không đủ diện tích, trang thiết bị, phương tiện chưa đảm bảo; không có cam kết ANTT dẫn đến mất ANTT trên địa bàn. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật quy định về điều kiện ANTT liên quan tới lĩnh vực kinh doanh ngành, nghề có điều kiện chưa được làm thường xuyên; nhiều chủ cơ sở kinh doanh chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình; trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc quản lý Nhà nước chưa chặt chẽ, hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm chưa kịp thời.

Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2009/NĐ-CP ngày 03/9/2009 quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Nghị định số 72/2009/NĐ-CP của Chính phủ); Nghị định số 107/2009/NĐ-CP ngày 26/11/2009 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (Nghị định số 107/2009/NĐ-CP của Chính phủ); Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 01/12/2009 quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên (Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ); ngày 05/10/2010 Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 33/2010/TT-BCA quy định cụ thể điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Thông tư số 33/2010/TT-BCA) theo quy định của các Nghị định trên.

Để triển khai thực hiện nghiêm các Nghị định số 72/2009/NĐ-CP; Nghị định số 107/2009/NĐ-CP; Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT; phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm, các hoạt động tội phạm lợi dụng loại hình kinh doanh này gây nguy hại đến an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung Nghị định số 72/2009/NĐ-CP; Nghị định số 107/2009/NĐ-CP; Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an đến các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực này và các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên… Để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật; tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc (ANTQ), qua đó lồng ghép nội dung các quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

2. Công an tỉnh có trách nhiệm:

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan như: Sở Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công Thương, Y tế Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT trên địa bàn tỉnh, đảm bảo các cơ sở kinh doanh này chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đồng thời chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT chấp hành nghiêm quy định của Chính phủ, Bộ Công an trong hoạt động các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng các cơ sở kinh doanh này để hoạt động; hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định và hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ của các cơ sở kinh doanh.

3. Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Công an theo dõi, hướng dẫn, quản lý ngành nghề sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và Nitrat Amon hàm lượng cao (từ 98,5% trở lên); kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng LGP (gas); dịch vụ cầm đồ; dịch vụ đòi nợ.

4. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Công an quản lý hoạt động in, photocopy màu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, các báo, đài thường xuyên tổ chức tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân thực hiện các nội dung cơ bản của Nghị định số 72/2009/NĐ-CP; Nghị định số 107/2009/NĐ-CP; Nghị định số 109/2009/NĐ-CP và các văn bản liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng, kịp thời đưa tin các vụ việc vi phạm quy định về điều kiện ANTT và biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng để răn đe, giáo dục chung.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Công an, Y tế quản lý ngành, nghề kinh doanh karaoke; vũ trường; xoa bóp (massage, tẩm quất); cho thuê lưu trú; kinh doanh casino; trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

6. Sở Ngoại vụ có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Công an quản lý người nước ngoài thuê nhà để ở hoặc làm văn phòng.

7. Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm quản lý ngành, nghề sản xuất kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa sau khi hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho hợp tác xã, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề có điều kiện về ANTT liên hệ với cơ quan Công an có thẩm quyền để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

9. Sở Tư pháp (cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh) chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh có văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức phổ biến sâu rộng các quy định pháp luật có liên quan đến việc đăng ký, quản lý điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trong việc quản lý, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh và các tổ chức sự nghiệp có thu hoạt động kinh doanh có điều kiện về ANTT trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự quản lý.

11. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Công an tỉnh trong việc quy định mức thu phí, lệ phí và hướng dẫn quản lý, sử dụng lệ phí có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT theo quy định của pháp luật hiện hành.

12. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT chỉ được hoạt động kinh doanh dịch vụ sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT”. Trong quá trình hoạt động phải hợp tác với lực lượng kiểm tra của ngành chức năng khi có yêu cầu; đồng thời thực hiện nghiêm túc chế độ tự kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để sai phạm trong quá trình hoạt động kinh doanh. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT để vi phạm pháp luật.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai và các tổ chức thành viên phối hợp phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Nghị định số 72/2009/NĐ-CP; Nghị định số 107/2009/NĐ-CP; Nghị định số 109/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 33/2010/TT-BCA của Bộ Công an, vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

14. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

Giao Giám đốc Công an tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị này, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một