Chỉ thị 13/CT-UBND về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 17/07/2013
Ngày có hiệu lực 17/07/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Lê Phước Thanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Quảng Nam, ngày 17 tháng 07 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2013

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Trung Trung Bộ, trong năm 2013, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông có khả năng từ 11 - 13 cơn, xấp xỉ và cao hơn so với trung bình nhiều năm; thời gian bắt đầu xảy ra sớm hơn nhưng thời gian kết thúc tương đương quy luật trung bình nhiều năm. Trong đó có từ 05 - 07 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam, 03 - 04 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Bộ, có khả năng 01 - 02 cơn bão ảnh hưởng rất mạnh đến khu vực Trung Trung Bộ. Mùa lũ năm 2013 có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm, ở mức báo động II đến báo động III, có nơi cao hơn báo động III và ở mức xấp xỉ và cao hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm;

Để chủ động ứng phó với tình hình lụt, bão nêu trên, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

- Trong tháng 7/2013, tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) năm 2012; qua đó rà soát, bổ sung, điều chỉnh Phương án phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 phù hợp và sát với thực tế ở địa phương, trong đó lưu ý phải xây dựng phương án sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ cao bị ngập sâu, sạt lở đất do mưa lũ và phương án sơ tán dân do ảnh hưởng của gió bão.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy PCLB và TKCN theo Nghị định số 14/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các Bộ, ngành và địa phương; bổ sung các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp, nhằm chủ động ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống.

- Tổ chức, thực hiện công tác PCLB và TKCN tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó lưu ý công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, thuốc y tế,… ở những khu vực dễ bị cô lập, chia cắt dài ngày khi xảy ra thiên tai. Củng cố, thành lập các Đội xung kích PCLB cấp thôn, xã nhằm chủ động trong công tác cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai bão lũ xảy ra trên địa bàn. Tổ chức canh gác, ngăn chặn kịp thời người và các phương tiện đi lại trên các tuyến đường giao thông thường bị ngập nước khi xuất hiện lũ lụt.

- Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, triển khai thực hiện công tác PCLB, trong đó đặc biệt lưu ý việc tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra phải thực hiện đúng theo biểu mẫu quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 31/QĐ-PCLBTW ngày 24/2/2012 của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương về việc ban hành Quy chế về chế độ thông tin, báo cáo, họp chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão, lũ và đúng với thực tế.

2. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy TKCN tỉnh

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết công tác PCLB và TKCN năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013. Theo dõi sát sao tình hình thời tiết để tham mưu, chỉ đạo, điều hành tốt công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; theo dõi, tổng hợp, báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra cho các cấp thẩm quyền theo đúng quy định.

- Có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc và kịp thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác PCLB và TKCN.

- Theo dõi, chỉ đạo Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban PCLB theo thời gian quy định tại Quyết định số 103/QĐ-PCLBTW ngày 04/6/2009 của Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương về trực ban PCLB của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp, các ngành.

3. Ban Chỉ huy TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan

- Lập kế hoạch, phương án cụ thể về công tác TKCN, trong đó chú ý kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi đối với các tàu đánh bắt xa bờ.

- Kiểm tra, rà soát lại lực lượng, các phương tiện, vật tư cấp thiết phục vụ cho công tác cứu nạn, cứu hộ, đề xuất với UBND tỉnh, Ủy ban Quốc gia TKCN kịp thời hỗ trợ, bổ sung.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm

- Phối hợp với các địa phương và đơn vị có liên quan kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các tàu đánh bắt cá của ngư dân trong tỉnh, đặc biệt đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ; kiên quyết xử lý, nghiêm cấm ra khơi đối với các tàu cá không đảm bảo an toàn theo quy định hàng hải hoặc khi có lệnh cấm ra khơi do thời tiết xấu của UBND tỉnh hoặc Ban Chỉ huy PCLB tỉnh.

- Thực hiện việc bắn pháo hiệu báo bão, ATNĐ theo quy định tại Quyết định số 17/2011/QĐ-TTg ngày 14/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức trực đài thông tin vô tuyến, phối hợp với các Đài thông tin Duyên hải ven biển để liên lạc, nắm chắc số lượng và tình hình hoạt động các tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh trên biển; thường xuyên thông tin, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển đến nơi an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm khi xuất hiện bão, ATNĐ trên biển Đông.

- Trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn đối với tàu đánh bắt cá, tàu hàng trong và ngoài tỉnh bị nạn trên vùng biển Quảng Nam.

5. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn và các địa phương xây dựng kế hoạch hiệp đồng, phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu giúp dân khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCLB tỉnh trước ngày 01/8/2013.

6. Công an tỉnh chịu trách nhiệm

- Chỉ đạo các lực lượng của ngành, phối hợp với các địa phương có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau thiên tai; tổ chức lực lượng phối hợp với các lực lượng vũ trang, địa phương tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

- Bố trí lực lượng phối hợp với các địa phương tổ chức chốt chặn những vị trí trên các tuyến giao thông huyết mạch có nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện khi xảy ra thiên tai.

- Phối hợp với Thanh tra giao thông hướng dẫn, phân luồng các phương tiện đi lại đảm bảo an toàn trên các tuyến giao thông bị ngập sâu khi có mưa lũ.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm

- Là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCLB tỉnh; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Kiểm tra tình hình an toàn các hồ chứa nước, đê, kè, nhất là các hồ bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn; đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị hoàn thành công tác tu bổ, sửa chữa đê, kè, hồ chứa nước trước ngày 31/8/2013;

[...]