Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 05/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 06/08/2013
Ngày có hiệu lực 06/08/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 05/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 06 tháng 08 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2013 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Tình hình thời tiết, khí tượng - thủy văn trong các năm qua diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nước ta. Trong năm 2012, đã có 10 cơn bão và 02 áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông; tại tỉnh Lâm Đồng xảy ra 06 đợt mưa vừa, mưa to trên diện rộng, 24 trận lũ và lũ quét và nhiều đợt giông tố, sấm sét, lốc xoáy làm 06 người chết và gây thiệt hại nhiều về tài sản. Trong những tháng đầu năm 2013, tình hình thời tiết trong cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng tiếp tục diễn biến bất thường, những tháng đầu năm hạn hán gây nhiều ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; đầu mùa mưa xảy ra mưa đá, lốc xoáy kèm mưa lớn,... và mới đến tháng 7 nhưng đã có 03 cơn bão (xuất hiện khá sớm so với thường lệ các năm trước), làm thiệt hại nhiều đến tài sản của nhân dân.

Để chủ động và có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn (sau đây viết tắt là PCLB và TKCN) năm 2013, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống lụt, bão, thiên tai cho cộng đồng dân cư để người dân luôn tự ý thức chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả kịp thời khi có cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng. Nâng cao ý thức trách nhiệm cho từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, tránh tư tưởng chủ quan coi nhẹ công tác PCLB và TKCN.

2. Củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức và sửa đổi, bổ sung quy định về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các cấp, các ngành nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ huy để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị chỉ đạo triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

3. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCLB và TKCN năm 2012 để tiếp tục hoàn thiện phương án, kế hoạch năm 2013 theo phương châm chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời, hiệu quả trước, trong và sau khi bão, lũ, thiên tai xảy ra.

Xây dựng kế hoạch PCLB và TKCN của từng ngành, địa phương, đơn vị bảo đảm sát với thực tế và diễn biến của từng loại hình thiên tai. Thành lập lực lượng xung kích để sẵn sàng đối phó và tổ chức ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra, nhất là ở những vùng, công trình trọng điểm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo thực hiện kế hoạch và phương án đã đề ra.

Củng cố hệ thống thông tin đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời đến tận người dân, từng cơ quan, đơn vị biết diễn biến của thiên tai để chủ động phòng tránh.

4. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc:

a) Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh phương án PCLB và TKCN. Kiểm tra, chuẩn bị các phương tiện ứng cứu, cứu hộ để sử dụng khi cần thiết. Thực hiện chế độ báo cáo đúng quy định để kịp thời chỉ đạo, xử lý, khắc phục hậu quả. Đối với các địa phương thường bị ngập lụt trong mùa mưa lũ, có kế hoạch và chỉ đạo nhân dân chuẩn bị dự trữ lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác đảm bảo đủ để sử dụng từ 10 đến 15 ngày khi xảy ra ngập lụt lớn.

b) Xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để di dời dân ở vùng trũng, thấp, bị ngập lụt lên những triền cao an toàn. Tổ chức di dời dân ra khỏi vùng sạt lở đất, nguy hiểm, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét.

c) Tổ chức các điểm trông trẻ tập trung, bố trí phương tiện đảm bảo an toàn để đưa đón các cháu đi học trong thời gian xảy ra ngập lụt lớn; kiểm tra các bến đò ngang, các ngầm qua suối, các tuyến đường giao thông có khả năng cây ngã đổ, sạt lở đất nhất là các tuyến đường đèo, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý để đảm bảo an toàn đối với từng trường hợp cụ thể. Thực hiện tốt công tác trực PCLB theo quy định.

d) Chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình cơ sở hạ tầng, làm gọn, dứt điểm các hạng mục cần thiết để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo PCLB và TKCN tỉnh):

a) Phối hợp với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Lâm Đồng, Ban chỉ huy PCLB và TKCN các địa phương và các đơn vị liên quan theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời báo về UBND tỉnh để chỉ đạo công tác PCLB và TKCN.

b) Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi, đặc biệt là các hồ chứa lớn và có nguy cơ mất an toàn; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, phương án sửa chữa, hoàn thành trước mùa mưa lũ.

c) Đôn đốc các địa phương, các ban, ngành xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của tỉnh; triển khai kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện về UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

6. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (cơ quan Thường trực tìm kiếm cứu nạn của Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh):

Lập phương án, kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết; tổ chức diễn tập, sẵn sàng hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng TKCN của các ngành, địa phương, tham gia ứng cứu, cứu hộ các công trình PCLB và TKCN. Chỉ đạo thực hiện việc ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.

7. Công an tỉnh:

Chuẩn bị các phương tiện, thiết bị, vật tư, nhân lực sẵn sàng phối hợp với các lực lượng TKCN của địa phương, ngành, đoàn thể tham gia cứu hộ, cứu nạn di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm và khắc phục hậu quả khi có thiên tai. Triển khai lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự xã hội các công trình trọng điểm, tài sản của Nhà nước, nhân dân; ngăn ngừa đối tượng xấu lợi dụng thiên tai để phá hoại, trộm cắp, cướp giật...

8. Sở Giao thông vận tải:

Chỉ đạo kiểm tra các tuyến đường xung yếu, các đoạn đường đèo, cầu cống thường bị sạt lở gây ách tắc giao thông để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa lũ.

Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các bến đò ngang; có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực xảy ra ngập lụt lớn; cắm bổ sung biển báo tại các tuyến đường nguy hiểm, nơi thường bị ngập sâu để cảnh báo, hạn chế đi lại để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

9. Sở Xây dựng:

Chỉ đạo tổ chức kiểm tra các công trình nhà cửa, trường học, kho tàng, bến bãi, những công trình xây dựng đang thi công dở dang; cảnh báo đề phòng tình trạng đổ giàn giáo, sạt ta luy, sạt lở đất, hư hỏng nhà cửa gây tai nạn.

10. Sở Lao động Thương binh và Xã hội:

[...]