Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2009 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 do tỉnh Tiền Giang ban hành

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 09/07/2009
Ngày có hiệu lực 09/07/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Trần Thanh Trung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Mỹ Tho, ngày 09 tháng 7 năm 2009

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011 - 2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, trong thời gian qua các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ cuối năm 2008 đến nay tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế trong nước, trong đó có Tiền Giang, nhất là trong các năm 2009, 2010. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2011-2015 là rất nặng nề.

Thực hiện Chỉ thị số 751/CT-TTg ngày 03/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, để khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức tận dụng tốt các cơ hội và phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 với những nội dung sau:

A. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 phải được xây dựng trên cơ sở tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, các văn bản chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh và trên cơ sở dự báo tình hình trong và ngoài nước giai đoạn 2011-2015, từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm phù hợp với mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn đến năm 2020 và với điều kiện thực tế của tỉnh. Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 gồm:

I. VỀ ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006-2010:

Trên cơ sở đánh giá tình hình giữa kỳ và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng của các ngành, các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 theo ngành, lĩnh vực và Quyết định số 4299/QĐ-UBND ngày 03/12/2007 của UBND tỉnh về việc ban hành khung theo dõi và đánh giá dựa trên kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010…, các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công ước thực hiện kế hoạch năm 2009, dự kiến kế hoạch năm 2010, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội trên tất cả các mặt; trong đó đặc biệt chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ VIII, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, trong đó đặc biệt chú trọng đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng trưởng bền vững đi đôi với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

2. Đánh giá những kết quả thành tựu về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành và nội bộ ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động). Cần có đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư phát triển do tác động trực tiếp từ việc hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Phân tích sâu về chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, nguồn nước; chất lượng nguồn nhân lực; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.

4. Các nội dung trong lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng tới việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, lĩnh vực khoa học, giáo dục - đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường,…

5. Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước và tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, nguồn vốn từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các khoản viện trợ phi chính phủ, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn tài chính doanh nghiệp. Tình hình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án lớn khác trên địa bàn tỉnh.

6. Trình độ công nghệ, năng lực sản xuất mới tăng thêm trong giai đoạn 2006-2010.

7. Việc quản lý, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch; công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

Khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch năm 2006-2010, phải làm rõ được kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy về vấn đề Hội nhập kinh tế quốc tế; về phát triển kinh tế biển; về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…; kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.

Đồng thời, phải làm rõ những tồn tại, yếu kém so với mục tiêu đã đề ra; làm rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công, nguyên nhân khách quan và chủ quan; trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từ đó rút ra được những bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển sắp tới của tỉnh.

II. VỀ NỘI DUNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2011-2015

Kinh tế của nước ta nói chung của tỉnh ta nói riêng đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, những biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 được xây dựng trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhất là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2011-2015 nước ta - cũng như Tiền Giang có khả năng thuận lợi từ việc phục hồi và phát triển kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng sẽ tạo cơ hội trong việc thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; bên cạnh đó việc tái cơ cấu nền kinh tế nước ta sẽ tạo điều kiện mới cho tỉnh phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả, tính bền vững. Sự ổn định về chính trị - xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

1. Mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 là phát triển kinh tế với tốc độ cao, bền vững, đẩy nhanh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hoá và dịch vụ của tỉnh. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Đóng góp tích cực vào sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao gắn với giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội luôn bảo đảm.

2. Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:

a) Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 5 năm 2011-2015 tăng 12-13%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới bình quân giảm 2-3%/năm.

b) Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thông thoáng… ; tháo gỡ các khó khăn thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển.

c) Khai thác và phát huy lợi thế, thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, của từng địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, chuyên canh, ứng dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, tăng giá trị và sức cạnh tranh nhằm để đáp ứng yêu cầu của thị trường và tăng thu nhập trên đơn vị diện tích nuôi trồng; tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp gắn với hệ thống tiêu thụ và chế biến sản phẩm.

Phát triển công nghiệp trên cơ sở tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tiếp tục thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, đồng thời chú trọng các ngành, lĩnh vực tỉnh có lợi thế về tiềm năng và vị trí địa lý kinh tế như công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí, chế tạo phục vụ nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp tàu thủy cùng các ngành công nghiệp bổ trợ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển mạnh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tác dụng thúc đẩy các ngành sản xuất và dịch vụ khác như vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, dịch vụ khoa học công nghệ, tư vấn, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các dịch vụ đào tạo, y tế... Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có ưu thế như thương mại, du lịch; mở rộng và nâng cao sức mua của thị trường nội địa.

d) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, dịch vụ, phát triển mạnh những ngành sản xuất và dịch vụ có lợi thế, gắn với phát triển những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao.

[...]