Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 13/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 13/CT-UBND
Ngày ban hành 24/08/2023
Ngày có hiệu lực 24/08/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Quốc Nam
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/CT-UBND

Ninh Thuận, ngày 24 tháng 8 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, XỬ LÝ VI PHẠM TRONG PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI, ĐÊ ĐIỀU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong thời gian gần đây, công tác quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, đê điều còn nhiều hạn chế dẫn đến các hành vi, vi phạm về thủy lợi, đê điều ngày càng có chiều hướng gia tăng, diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân các công trình thủy lợi, đê điều trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, do nhiều đơn vị quản lý khác nhau, các quy định pháp luật về thủy lợi, đê điều còn chưa đầy đủ, chồng chéo, chưa rõ ràng, sự hiểu biết của tổ chức, cá nhân còn hạn chế, sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, đùn đẩy trách nhiệm. Công tác xử lý các vụ việc vi phạm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và dứt điểm, nhiều vụ việc vi phạm chưa được xử lý kịp thời làm ảnh hưởng đến việc vận hành, an toàn công trình thủy lợi, đê điều, gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, làm phát sinh các hậu quả pháp lý khó giải quyết.

Để thực hiện nghiêm Luật Thủy lợi, Luật Đê điều, Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản có liên quan đảm bảo vận hành khai thác, an toàn công trình thủy lợi, đê điều, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các đơn vị quản lý các công trình thủy lợi, đê điều, triển khai, thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành, các cơ quan, các đơn vị liên quan đóng trên địa bàn tỉnh và địa phương

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; hướng dẫn và giải thích cụ thể công tác quản lý, bảo vệ, các hành vi, phương thức xử lý vi phạm; trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đê điều trong việc bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

- Kiên quyết xử lý dứt điểm, các vụ việc tồn đọng liên quan đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

- Tăng cường giám sát, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, xử lý vi phạm công trình thủy lợi, đê điều theo quy định.

- Tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả văn bản số 1805/UBND-KTTH ngày 10/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý vi phạm, bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn (gửi kèm).

2. Nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và địa phương.

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền, đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan liên quan xử lý các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, quy định của pháp luật; đôn đốc, tổng hợp kết quả xử lý vi phạm của các địa phương, đơn vị, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thống kê, phân loại vi phạm tồn đọng, trên cơ sở đó kiến nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xử lý các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình không có giấy phép theo quy định hoặc vi phạm quy định của giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các trình tự thủ tục đầu tư các công trình, dự án có liên quan đến công trình thủy lợi, các hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi đối với các ngành, các địa phương, đơn vị, các chủ đầu tư và kiểm tra, giám sát hoạt động xả nước thải vào công trình thủy lợi.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, xử lý, kiến nghị xử lý việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dự án, khu dân cư có xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi, nhằm đạt hiệu quả trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng dụng đất của các dự án theo quy định; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan, kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi khu vực bãi sông, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử trong các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường; báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của các dự án có xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các dự án, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thuộc thẩm quyền quản lý có xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép theo quy định.

c) Công an tỉnh:

- Phối hợp các cơ quan chức năng liên quan, chính quyền địa phương các cấp kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi; bảo đảm an ninh trật tự cưỡng chế, giải tỏa hành lang an toàn đê điều, công trình thủy lợi.

- Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông, nhất là khu vực có đê sát sông, kè bảo vệ bờ; các trường hợp điều khiển xe quá khổ, quá tải di chuyển trên đê, đập.

d) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều, thủy lợi đảm bảo an toàn chống lũ cho các tuyến đê, quản lý, khai thác công trình thủy lợi có hiệu quả; bố trí kinh phí tổ chức Hội nghị thông tin, phổ biến Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh và kinh phí xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi theo quy định của pháp luật về đê điều, thủy lợi và Luật ngân sách Nhà nước.

đ) Sở Giao thông vận tải:

- Phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính đối với các xe ô tô chở hàng vượt quá tải trọng, quá khổ giới hạn cầu đường bộ đi trên đê, công trình thủy lợi khi có yêu cầu; xử lý các phương tiện vi phạm neo đậu trái phép, các bến thủy nội địa hoạt động trái phép, các vi phạm khác ảnh hưởng đến đê điều theo thẩm quyền quản lý.

- Khi lập dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều, cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan thống nhất về quy mô công trình, giải pháp thiết kế kỹ thuật thi công để đảm bảo tưới, tiêu trong suốt quá trình thi công.

e) Sở Xây dựng:

[...]