Chỉ thị 13/CT-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực 6 tháng cuối năm nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 của tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu | 13/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/07/2017 |
Ngày có hiệu lực | 13/07/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thanh Hóa |
Người ký | Nguyễn Đình Xứng |
Lĩnh vực | Thương mại |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/CT-UBND |
Thanh Hoá, ngày 13 tháng 7 năm 2017 |
Trong 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng bất lợi đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; song, các ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Chỉ thị, Kế hoạch của UBND, Chủ tịch UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, nên tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn giữ được ổn định và có bước phát triển: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,32%; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực; hoạt động kinh tế đối ngoại được chú trọng, kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp tăng cao so với cùng kỳ; các hoạt động văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống nhân dân được cải thiện; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2017 là 12% (nếu có sản phẩm lọc hóa dầu) và tối thiểu đạt 9,05% (bằng mức tăng trưởng năm 2016) nếu chưa có sản phẩm lọc hóa dầu; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; cụ thể là:
a) Trong lĩnh vực nông nghiệp
- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất, bảo vệ kết quả sản xuất vụ mùa, vụ đông; rà soát phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết để kịp thời ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, không để thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ trồng rừng tập trung; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản; phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển sản xuất ngành trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản để bù lại những khó khăn, thiếu hụt trong phát triển chăn nuôi.
- UBND các huyện, thị xã, thành phố phải rà soát lại các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp của địa phương, xây dựng phương án và các giải pháp cụ thể, phù hợp, đảm bảo hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh cả năm đạt 2,7% (kế hoạch là 2,4%).
b) Trong lĩnh vực công nghiệp
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển, nhất là các sản phẩm có đóng góp lớn cho tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh. Đối với các sản phẩm công nghiệp có sản lượng 6 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch; phải làm việc cụ thể với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kịp thời động viên, khuyến khích và bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo thuận lợi để các đơn vị phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất đã đề ra. Chủ động đấu mối, làm việc với Tổng Công ty bia, rượu, nước giải khát Hà Nội và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam để được giao tăng sản lượng bia, thuốc lá cho Nhà máy bia Thanh Hóa, Công ty Thuốc lá Thanh Hóa; đồng thời, đề nghị điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản lượng sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Hỗ trợ, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đưa dây chuyền 2 Nhà máy xi măng Long Sơn, các nhà máy may trên địa bàn huyện Triệu Sơn, Đông Sơn, Như Thanh đi vào hoạt động trong quý IV năm 2017.
c) Trong lĩnh vực dịch vụ
- Sở Công Thương chủ động tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phương án chuyển đổi chợ; xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm, các siêu thị tiện ích trong khu dân cư.
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường tuyên truyền, quảng bá các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng của tỉnh với bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Đấu mối, làm việc và tham mưu chính sách hỗ trợ các công ty du lịch, lữ hành lớn trong việc xây dựng và phát triển một số tour du lịch kết nối với các khu, điểm du lịch của tỉnh nhằm hướng đến phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững. Khẩn trương đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm kéo dài mùa du lịch trong năm, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7 năm 2017.
- Sở Giao thông Vận tải chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các hãng hàng không, hãng du lịch mở mới các đường bay nội địa và quốc tế từ Cảng hàng không Thọ Xuân; trước mắt, sớm khai trương đường bay charter Thanh Hóa - Băng Cốc (Thái Lan). Tham mưu các giải pháp phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, trong đó ưu tiên phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển, hệ thống logistics, kho bãi trung chuyển hàng hóa, báo cáo UBND tỉnh trong quý III năm 2017.
- Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, hỗ trợ, tạo thuận lợi để sớm đưa Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn đi vào hoạt động.
- Sở Xây dựng chủ trì, tham mưu triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, sớm đưa các sản phẩm bất động sản ra thị trường.
2. Tập trung thực hiện các giải pháp về hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm
a) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống và các cơ quan thông tấn, báo chí, tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất nhằm khuyến khích tiêu dùng và đẩy mạnh sản xuất trong tỉnh.
b) Sở Công Thương chủ trì, tham mưu thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa gắn với thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; nghiên cứu, tham mưu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích đưa các mặt hàng sản xuất trong tỉnh (nhất là các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, chế biến nông sản đạt tiêu chí thực phẩm an toàn) vào các siêu thị, trung tâm thương mại, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 7 năm 2017. Tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa; hỗ trợ, dự báo và cung cấp thông tin, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong tỉnh và quyền lợi người tiêu dùng.
Cục Hải quan Thanh Hóa chủ trì hướng dẫn, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp giảm bớt thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới.
c) Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng; khuyến khích đơn vị thi công sử dụng vật liệu xây dựng do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất để thực hiện các dự án đầu tư.
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Khẩn trương hoàn thành và trình duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2040; đề án huy động thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư, làm cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh và vận động thu hút đầu tư.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc, hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà đầu tư sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư các dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017; nghiên cứu, tham mưu phương án rút ngắn thời gian, quy trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/7/2017 để triển khai thực hiện các dự án trong 6 tháng cuối năm 2017.
- Tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư trực tiếp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; tham mưu cho UBND tỉnh chấm dứt chủ trương đầu tư đối với các dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng. Khẩn trương hoàn thành và đưa vào hoạt động Hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu theo dõi tình hình thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh trong quý IV năm 2017.
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, hoàn vốn tạm ứng, công tác đấu thầu, giám sát, quản lý dự án để tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
b) Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng để trong năm 2017 khởi công xây dựng các dự án: nhiệt điện Nghi Sơn 2, nhà máy gang thép Nghi Sơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng khu công nghiệp số 3, cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn, cảng container Long Sơn, mở rộng đường 513,...