Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 về giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 16/06/2014
Ngày có hiệu lực 16/06/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Hồ Văn Niên
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Bà Rịa-Bà Rịa, ngày 16 tháng 6 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU HÚT, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Qua 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến tháng 5/2014, trên địa bàn tỉnh đã có 290 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 26,6 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 9 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh (chiếm khoảng 60% tổng vốn đầu tư xã hội hàng năm), góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp ngân sách nhà nước và tạo thêm việc làm. Ngoài những đóng góp trực tiếp nêu trên, ĐTNN từng bước đã tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, hoạt động đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế như: chưa thu hút nhiều dự án có công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; một số dự án quy mô lớn chậm triển khai đầu tư so với tiến độ cam kết (tập trung vào các dự án thuộc lĩnh vực cảng, nhà ở, khu đô thị mới và các dự án du lịch); công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kéo dài; một số doanh nghiệp ĐTNN chưa chấp hành tốt pháp luật về môi trường, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động,... cần phải được khắc phục trong thời gian tới.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên là do hệ thống chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán; tình hình kinh tế thế giới suy giảm trong những năm gần đây đã tác động đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; định hướng và giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian qua chưa rõ ràng; vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa bảo đảm khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng; sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong công tác rà soát, thanh tra, kiểm tra thiếu thường xuyên; công tác xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả...

Nhằm khắc phục những hạn chế và tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, quản lý hiệu quả nguồn vốn ĐTNN, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quán triệt và tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

I. Mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới:

1. Khuyến khích kinh tế có vốn ĐTNN phát triển theo quy hoạch và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đề án tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; đối tượng xúc tiến là các Tập đoàn đa quốc gia và tập trung vào các thị trường mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Á.

2. Tiếp tục thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp và phát triển các loại hình kinh tế dịch vụ, trong đó ưu tiên thu hút các lĩnh vực: (i) cảng - dịch vụ logistics; (ii) công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp cơ bản (cơ khí, điện, điện tử, hóa chất), công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp lọc hóa dầu; (iii) các dự án giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ (trường đại học quốc tế, trường đào tạo nghề quốc tế, bệnh viện quốc tế, các trung tâm thương mại lớn, các loại hình vui chơi giải trí ...); (iv) nông nghiệp công nghệ cao và thủy sản chế biến sâu.

- Các khu công nghiệp tập trung thu hút các dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu để tạo chân hàng cho cụm cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép-Thị Vải.

- Không khuyến khích các dự án đầu tư tiêu tốn nhiều năng lượng, khai thác không gắn với chế biến, sử dụng nhiều lao động phổ thông, gây ảnh hưởng đến môi trường.

- Không thu hút các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và những lĩnh vực có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

3. Tăng cường xúc tiến thu hút các dự án đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia. Khuyến khích, tạo điều kiện và tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với nhau và với các doanh nghiệp trong nước.

4. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư; cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư theo mô hình “một cửa”; xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ cho đầu tư kinh doanh như dịch vụ tư vấn, pháp lý, thủ tục hành chính và các dịch vụ đời sống,... để thu hút đầu tư.

5. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN để đảm bảo chất lượng của hoạt động này trong tình hình mới.

II. Một số giải pháp chủ yếu:

1. Về cải thiện môi trường đầu tư:

a/ Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính:

- Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

- Xây dựng và sớm ban hành cải cách quy trình giải quyết các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư theo cơ chế “một cửa” để cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.

- Tổ chức hoạt động Japan Desk tại Bà Rịa - Vũng Tàu với sự hỗ trợ của chuyên gia JICA nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư.

- Triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp FDI theo quy định.

- Đẩy mạnh các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh năm 2014 và các năm tiếp theo nhằm góp phần nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Hệ thống hóa các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

- Ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b/ Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối:

- Rà soát, tổng hợp nhu cầu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án, huy động các nguồn vốn, kể cả Quỹ đầu tư phát triển để từng bước đầu tư các dự án theo quy hoạch, đảm bảo hạ tầng kết nối vào các khu công nghiệp, khu lọc hóa dầu, khu du lịch và các dự án cảng biển.

- Tiếp tục theo dõi, đôn đốc tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; kiến nghị thực hiện các giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường sắt kết nối tại tỉnh.

[...]