Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2013 tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2013 - 2014 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 12/CT-UBND
Ngày ban hành 16/12/2013
Ngày có hiệu lực 16/12/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT-UBND

Lâm Đồng, ngày 16 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG MÙA KHÔ NĂM 2013 - 2014 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2012 - 2013 đã được các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện; tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tình trạng cháy rừng vẫn xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế, tài nguyên, môi trường.

Để chủ động PCCCR có hiệu quả và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra trong mùa khô năm 2013 - 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị quản lý rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) phải xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp trong suốt mùa khô, có trách nhiệm:

a) Kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và Ban Lâm nghiệp xã.

b) Đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục pháp luật, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và kiến thức PCCCR cho nhân dân, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về PCCCR.

c) Xây dựng phương án ứng phó khi có tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ); trường hợp cháy lớn có nguy cơ bùng phát và lan rộng thì cần phối hợp sự hỗ trợ ứng phó của địa phương lân cận và lực lượng PCCCR của tỉnh.

d) Giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã) trực tiếp chỉ đạo công tác PCCCR trên địa bàn, tiếp tục xây dựng và duy trì phong trào quần chúng tham gia bảo vệ rừng và PCCCR trong các cộng đồng dân cư thôn, buôn nơi có rừng.

đ) Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm, phối hợp chặt chẽ lực lượng Công an, Quân đội, các đơn vị chủ rừng, UBND cấp xã trong công tác kiểm tra, tuần tra, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gây cháy rừng, phá rừng, phát đốt rừng trái phép; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án PCCCR và chấp hành các quy định về PCCCR trên địa bàn.

e) Yêu cầu các tổ chức, đơn vị quản lý rừng (sau đây gọi là chủ rừng) trên địa bàn chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện phương án PCCCR; tăng cường tuần tra, canh gác lửa rừng; những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, phải bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ trong các tháng mùa khô.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các chủ trương, giải pháp tổng thể về PCCCR trên địa bàn toàn tỉnh. Hướng dẫn các địa phương, đơn vị chủ rừng lập phương án PCCCR phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương; đồng thời thẩm định, phê duyệt phương án PCCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng thuộc Nhà nước theo quy định.

b) Xây dựng và triển khai thực hiện phương án PCCCR cấp tỉnh; phương án huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng khi có tình huống cháy rừng lớn vượt khả năng chống chế của lực lượng cấp huyện; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực, tham mưu cho UBND tỉnh UBND cấp huyện trong công tác PCCCR.

c) Tuyên truyền công tác PCCCR; theo dõi, dự báo, cảnh báo cấp cháy rừng kịp thời đến các địa phương, các đơn vị trong tỉnh; phối hợp với cơ quan khí tượng thủy văn, cơ quan thông tin đại chúng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong các tháng mùa khô.

d) Phối hợp với các ngành chức năng và UBND cấp huyện hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương, các đơn vị chủ rừng trong việc thực hiện phương án và các quy định về PCCCR; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi gây cháy rừng, phá rừng, phát đốt rừng trái phép.

đ) Theo dõi tổng hợp công tác PCCCR trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời báo cáo (định kỳ và đột xuất) gửi UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

e) Kịp thời biểu dương, khen thưởng hoặc đề xuất UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng các tổ chức, đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCCR; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về PCCCR.

3. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các cấp trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong việc chữa cháy rừng; điều tra, xử lý các đối tượng gây cháy rừng.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm giải quyết kinh phí kịp thời cho các địa phương, đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm triển khai thực hiện PCCCR mùa khô 2013 - 2014 theo phương án được phê duyệt.

5. Các Sở, ban, ngành có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện trong tổ chức và triển khai thực hiện PCCCR khi có yêu cầu.

6. Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng, Báo Lâm Đồng, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí thường trú tại địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ rừng và PCCCR; chủ động thông tin cảnh báo sớm các nguy cơ xảy ra cháy rừng.

7. Các đơn vị chủ rừng, các tổ chức và cá nhân được Nhà nước giao rừng, thuê rừng, nhận quản lý bảo vệ rừng có trách nhiệm:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng chống cháy rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt (trừ các tổ chức và cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng). Trong đó cần xác định khu vực trọng điểm để bảo vệ rừng, PCCCR; tổ chức trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24h trong những tháng cao điểm của mùa khô để chủ động phát hiện, ngăn chặn cháy rừng từ khi mới xảy ra.

b) Tổ chức lực lượng thường trực để thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi gây cháy rừng, phát đốt rừng trái phép và các hành vi khác xâm hại tài nguyên rừng. Khi cháy rừng xảy ra phải chủ động tổ chức chữa cháy bằng lực lượng tại chỗ; trường hợp cháy rừng vượt quá tầm khống chế của đơn vị thì báo cáo ngay UBND cấp xã, Ban Chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện để huy động lực lượng hỗ trợ chữa cháy.

c) Trường hợp để xảy ra cháy rừng và gây thiệt hại do lỗi đơn vị chủ rừng không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về PCCCR và phương án PCCCR được phê duyệt, chậm hoặc không kịp thời phát hiện cháy rừng và tổ chức chữa cháy, thì chủ rừng phải chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra và Thủ trưởng đơn vị chủ rừng, người đại diện theo pháp luật của tổ chức, cá nhân được giao rừng, thuê rừng bị xử lý theo quy định.

8. Công ty cổ phần Tập đoàn Giấy Tân Mai có trách nhiệm chủ động phối hợp với các đối tác là các Công ty TNHH MTV lâm nghiệp, các Ban Quản lý rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện tốt việc phòng cháy, chữa cháy diện tích rừng trồng nguyên liệu giấy.

9. Các đơn vị khai thác, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp với chủ rừng và các Hạt Kiểm lâm sở tại có kế hoạch bảo vệ và phòng chống cháy trên diện tích nhận khai thác, bãi gỗ trong khu khai thác, bãi giao nhận sản phẩm, chấp hành đúng các quy định về phòng cháy, chữa cháy xưởng chế biến gỗ.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ