ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 2959/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
19 tháng 11 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG
CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật phòng cháy và chữa
cháy được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày
29/06/2001;
Căn cứ Quyết định số
803/QĐ-UBND ngày 01/04/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về việc đổi tên
Ban chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy thành Ban Chỉ đạo công tác phòng
cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và kiện toàn Ban Chỉ đạo;
Xét đề nghị của Giám đốc Công
an tỉnh tại Công văn số 444/PC66-PV11(CS) ngày 16/8/2013 và đề nghị của Giám đốc
Sở Nội vụ tại Công văn số 2060/SNV-TCBC ngày 12/11/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt
động của Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh;
Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và
các thành viên Ban Chỉ đạo; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo công tác phòng
cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Tổng cục IV - Bộ Công an (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- Sở Nội vụ;
- Lưu: VT.TN, LT;
Quy chế PCCC-15.11.2013
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đức Vinh
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN,
CỨU HỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2959/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của Chủ tịch
UBND tỉnh Khánh Hòa)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Ban Chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy
và cứu nạn, cứu hộ (dưới đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) là tổ chức được đổi tên và
kiện toàn theo Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 01/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Điều 2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo đã được quy định tại
Quyết định số 803/QĐ-UBND ngày 01/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Nhiệm vụ cụ thể như sau:
a) Xây dựng kế hoạch chỉ đạo, kiểm
tra đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Luật Phòng cháy
và chữa cháy (PCCC) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Quyết định số
44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tưởng Chính phủ quy định về công tác cứu
nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.
b) Tổ chức nghiên cứu, xây dựng,
các chủ trương, kế hoạch, giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu
nạn, cứu hộ (viết tắt là PCCC&CNCH) trên địa bàn tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh
quyết định phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện các Quyết định đó; nghiên cứu,
đề xuất xây dựng các dự án đầu tư trang thiết bị, phương tiện phù hợp nhằm đáp ứng
yêu cầu công tác PCCC&CNCH trên địa bàn tỉnh.
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm
tra và tổ chức phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương, đơn vị, doanh
nghiệp, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện các biện pháp PCCC&CNCH;
đánh giá kết quả của quá trình hoạt động, thực hiện đảm bảo có hiệu quả phương
châm 04 tại chỗ: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ
huy tại chỗ; xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân
tham gia PCCC&CNCH.
d) Chỉ đạo và tổ chức sơ kết, tổng
kết, rút kinh nghiệm về công tác PCCC&CNCH; đề nghị khen thưởng những tập
thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC&CNCH; thực hiện đầy
đủ chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất về tình hình,
kết quả công tác PCCC&CNCH cho Chủ tịch UBND tỉnh.
Chương 2.
TỔ CHỨC, PHÂN
CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 3. Ban chỉ đạo có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và
các thành viên:
1. Trường Ban chỉ đạo: 01 đồng chí
- Phó chủ tịch UBND tỉnh.
2. Phó trưởng Ban Chỉ đạo: 01 đồng
chí Phó Giám đốc Công an tỉnh.
3. Thành viên ban chỉ đạo gồm các
đồng chí đại diện lãnh đạo các ban ngành, đơn vị, địa phương thuộc tỉnh.
Điều 4. Trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo:
1. Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành hoạt
động chung của Ban Chỉ đạo trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
mình; chủ trì các cuộc hợp liên quan; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh
về toàn bộ hoạt động của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành
viên.
2. Phó Trưởng Ban có trách nhiệm
giúp Trưởng Ban thực hiện theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; điều hành các công việc
do Trưởng Ban phân công.
Phó Trưởng Ban của Ban Chỉ đạo
giúp Trưởng Ban xây dựng kế hoạch; tổng hợp đánh giá kết quả hoạt động của toàn
Ban; thay mặt kiểm tra, đôn đốc các thành viên khác thực hiện sự chỉ đạo của
Trưởng ban; có trách nhiệm trực tiếp tham gia lập kế hoạch, nghiên cứu, hướng dẫn,
chỉ đạo và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện những nội dung của kế hoạch
PCCC&CNCH. Tổng hợp kết quả thực hiện định kỳ 6 tháng, 01 năm (ngoài các
báo cáo đột xuất) báo cáo Trưởng ban.
3. Các thành viên Ban chỉ đạo có
nhiệm vụ:
a. Tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch
PCCC&CNCH theo chức năng của ban ngành, đơn vị, địa phương mình.
b. Chuẩn bị các nội dung trong kỳ
họp sơ kết, tổng kết của Ban chỉ đạo, tham gia đóng góp ý kiến về những vấn đề
chỉ đạo, thực hiện, phát sinh.
c. Khi nhận được tin báo có cháy xảy
ra, đặc biệt là đối với những vụ cháy lớn, có khả năng cháy lan, gây thiệt hại
nghiêm trọng về người và tài sản, các thành viên của Ban chỉ đạo căn cứ chức
năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong Ban chỉ đạo phải nhanh chóng chỉ đạo hệ
thống ngành, lĩnh vực mình quản lý khẩn trương chủ động phối hợp với chính quyền
địa phương nơi có cháy và lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp thực hiện các biện
pháp ngăn chặn, hoặc hỗ trợ để xử lý các vấn đề liên quan đến vụ cháy, như: điều
động nhân lực, phương tiện, kinh phí; cắt điện khu vực cháy và các khu vực có
thể cháy lan, đảm bảo cấp đủ nước để chữa cháy, cấp cứu người bị nạn,... đồng
thời phải nhanh chóng có mặt tại hiện trường để cùng tham gia khắc phục hậu quả.
d. Thực hiện các công việc khác do
Trưởng Ban phân công.
e. Các thành viên Ban Chỉ đạo có
trách nhiệm nắm tình hình, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nhiệm
vụ đã giao. Định kỳ hàng quý, báo cáo kết quả thực hiện ở các cấp thuộc ngành
mình về cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo
và Bộ Công an; đồng thời cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm
tra việc thực hiện công tác này ở các địa phương.
Điều 5. Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo đặt tại
Công an tỉnh, có nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu, đề xuất chương
trình kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo.
2. Tham mưu Ban chỉ đạo điều phối,
đôn đốc các hoạt động thuộc nội dung, kế hoạch chương trình của Ban chỉ đạo.
3. Chuẩn bị nội dung, chương
trình, tài liệu phục vụ các cuộc họp của Ban chỉ đạo.
4. Theo dõi tiến độ, kiểm tra, tổng
hợp tình hình, đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch công tác báo cáo Ban chỉ
đạo.
5. Tham mưu Ban Chỉ đạo đề xuất bố
trí quỹ đất, đầu tư xây dựng, trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC&CNCH.
6. Đảm bảo thông tin liên lạc giữa
các thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh với Ban chỉ đạo của các ngành, địa phương.
7. Lưu trữ hồ sơ, làm công tác văn
thư của Ban Chỉ đạo.
Chương 3.
NGUYÊN TẮC HOẠT
ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Điều 6. Ban Chỉ đạo điều phối các hoạt động thực hiện
công tác PCCC&CNCH của các Sở, ban, ngành, địa phương thông qua sự bàn bạc
tập thể của các thành viên; đánh giá kết quả việc thực hiện các kế hoạch, phối
hợp tháo gỡ các khó khăn, giải quyết các yêu cầu cần thiết đảm bảo thực hiện tốt
kế hoạch. Khi đã có kế hoạch của Ban Chỉ đạo, các ngành thành viên Ban chỉ đạo
phải chủ động hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của ngành và phối hợp với các
ngành khác những vấn đề có liên quan.
Điều 7. Khi có sự thay đổi về nhân sự các Sở, ban,
ngành, địa phương tham gia Ban chỉ đạo phải báo cho Trưởng Ban Chỉ đạo (qua Văn
phòng thường trực của Ban Chỉ đạo - Công an tỉnh).
Điều 8. Ban Chỉ đạo định kỳ tổ chức họp sơ, tổng kết
01 năm/1 lần, các cuộc họp đột xuất do Trưởng Ban Chỉ đạo triệu tập.
Điều 9. Sử dụng con dấu.
1. Trưởng Ban Chỉ đạo sử dụng con
dấu của UBND tỉnh.
2. Phó Trưởng ban Thường trực và
Văn Phòng Thường trực Ban Chỉ đạo sử dụng con dấu của Công an tỉnh.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 10. Quy chế này áp dụng cho các thành viên Ban
Chỉ đạo và có hiệu lực kể từ ngày ký; giao Công an tỉnh Khánh Hòa (Cơ quan Thường
trực Ban Chỉ đạo) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy chế này.
Quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát
sinh, vướng mắc, các thành viên Ban Chỉ đạo phản ánh về cơ quan Thường trực Ban
Chỉ đạo để tổng hợp đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp./.