Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2010 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2010 – 2011 trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 20/CT-UBND
Ngày ban hành 25/10/2010
Ngày có hiệu lực 04/11/2010
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trịnh Duy Hùng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------------

Số: 20/CT-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG MÙA KHÔ NĂM 2010 – 2011 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình khô cạn mùa khô năm 2010 – 2011 sẽ diễn biến phức tạp và nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội và ô nhiễm môi trường.

Thực hiện Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và Chỉ thị số 3767/CT-BNN-KL ngày 18/11/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng có hiệu quả, góp phần bảo vệ sản xuất nông lâm nghiệp, ổn định đời sống cho một bộ phận cư dân sống trên địa bàn và bảo vệ môi trường, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt nhiệm vụ sau:

1. UBND các huyện, thị xã có rừng và đất lâm nghiệp:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục pháp luật, phổ biến chủ trương chính sách của Nhà nước và kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho nhân dân, nhằm nâng cao ý thức cộng đồng về phòng cháy, chữa cháy rừng và thường xuyên thông báo cấp dự báo cháy rừng từng thôn xóm, cụm dân cư tại các địa phương có rừng và các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng.

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng từ cấp huyện xuống các cấp cơ sở, xây dựng Quy chế và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng các cấp, thực hiện Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ ban hành Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và Chỉ thị số 3767/CT-BNN-KL ngày 18/11/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường các biện pháp cấp bách trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, nhằm, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng có thể xảy ra.

- Ban hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Chỉ đạo, thực hiện và đôn đốc công tác cảnh báo, dự báo và kiểm soát lửa rừng. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng và chuẩn bị các phương tiện chuyên môn ứng cứu tại chỗ. Phối hợp kịp thời, có hiệu quả các lực lượng tham gia chữa cháy rừng, khi có sự cố xảy ra, phải huy động lực lượng và phương tiện dập tắt ngay lửa rừng.

- Giao trách nhiệm cụ thể cho UBND các xã, các tổ chức, đơn vị có quản lý diện tích rừng, đất lâm nghiệp và các chủ rừng chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo Phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ). Tăng cường tuần tra, canh gác lửa rừng. Ở những địa điểm rừng có nguy cơ cháy cao, cần bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ (ngày/đêm) trong các tháng mùa khô.

- Lập dự toán kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng theo hướng dẫn của Sở Tài chính và quy định hiện hành của Nhà nước, trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

2. Sở Nông nghiệp và PTNT:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng từ cấp huyện xuống cơ sở, có sự phối hợp của các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội về việc phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện theo Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16.01.2006 của Chính phủ; Chỉ thị số 3767/CT-BNN-KL ngày 18/11/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đối với UBND các xã có rừng, các chủ rừng và các đơn vị, cơ quan đóng tại địa phương có rừng. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với các chủ rừng triển khai công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng trong suốt các tháng mùa khô.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đồng thời xử lý nghiêm minh, theo quy định của pháp luật đối với những hành vi để xảy ra cháy rừng. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND Thành phố xem xét, xử lý.

3. Các Sở, ban, ngành Thành phố:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện có rừng và đất lâm nghiệp tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn Hà Nội có hiệu quả.

UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành liên quan phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức xã hội thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trên, Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và những khó khăn vướng mắc khi tổ chức triển khai, báo cáo UBND Thành phố xem xét và giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (để báo cáo)
- TT Thành ủy, TT HĐND TP; (để báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Công an Thành phố, Bộ tư lệnh Thủ đô;
- Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội;
- Các Sở, ban, ngành Thành phố;
- UBND huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây;
- Vườn quốc gia Ba Vì, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội;
- Đài PT và TH HN, Báo HN mới, Báo KT và ĐT;
- VPUB: CVP, PVP Nguyễn Ngọc Sơn, NN, TH, lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Duy Hùng