Chỉ thị 12/CT.UB năm 1990 về chăm sóc đời sống các đối tượng chính sách xã hội do Tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 12/CT.UB
Ngày ban hành 10/05/1990
Ngày có hiệu lực 10/05/1990
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Hữu Khánh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/CT.UB

Long Xuyên, ngày 10 tháng 5 năm 1990

 

CHỈ - THỊ

VỀ VIỆC CHĂM SÓC ĐỜI SỐNG CÁC ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều biện pháp chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách xã hội, nhằm thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa đối với những cá nhân và gia đình có công trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Tuy n hiên, do nhiều hạn chế như chưa có sự quan tâm thường xuyên, việc phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể chưa chặt chẻ, cũng như những khó khăn về ngân sách, dẫn đến sự chăm sóc đó chưa thật đầy đủ và thiết thực nên cuộc sống của những người thuộc diện chính sách còn gặp nhiều khó khăn.

Để việc chăm sóc đời sống cho các đối tượng chính sách xã hội được tốt hơn, các cấp, các ngành cần phải chú trọng và quan tâm thường xuyên, bằng những nội dung cụ thể sau đây:

1- Điều tra nắm chắc tình hình kinh tế đời sống như điều kiện chăm lo công ăn việc làm như đất đai để sản xuất ngành nghề lao động, ở thị xã thị trấn thì có thể tạo điều kiện buôn bán để tự họ nâng mức sống.

Đối với những người thật sự quá khó khăn về vốn sản xuất thì được vay vốn với lãi suất ưu tiên, bán chịu hàng hóa vật tư có thời hạn hoặc vận dụng chính sách miễn giảm thuế theo quy định của Nhà nước.

Về nhà ở phấn đấu phát triển “căn nhà tình nghĩa” đảm bảo trong mùa mưa dông không một căn nhà nào của đối tượng chính sách bị xiêu vẹo, dột nát.

Hàng năm, hàng quí có kế hoạch cụ thể về chi ngân sách, cộng với các nguồn từ sản xuất của các tổ chức bảo trợ hoặc đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác để giúp đỡ các đối tượng trong diện chính sách có mức sống ổn định hơn, không để quá mức khó khăn so với người dân địa phương.

2- Điều tra nắm chắc điều kiện khám trị bệnh, việc học hành các con em của từng đối tượng. Trên cơ sở đó mà quan tâm việc chăm sóc sức khỏe, ưu tiên khám và điều trị, miễn phí theo các qui định của Nhà nước; mỗi người đều được cơ quan y tế địa phương cấp sổ theo dõi sức khỏe.

Thường xuyên tổ chức đoàn y tế đến khám và điều trị tại nhà nhất là ở vùng sâu vùng kháng chiến cũ là những điều kiện đi lại khó khăn.

Đối với con em thương bệnh binh, liệt sĩ phải tạo điều kiện cho các cháu được vào trường học theo từng lứa tuổi, không để cháu nào thất học. Khi các cháu gặp khó khăn thì vận động phong trào phụ huynh học sinh giúp đỡ, tạo điều kiện mọi mặt để các cháu học tốt và luôn luôn chăm lo sức khỏe tinh thần, vật chất để các cháu có đủ điều kiện theo học đến nơi đến chốn.

3- Các ngành có nhiệm vụ trực tiếp thực hiện chính sách phải bảo đảm đúng, đầy đủ và kịp thời. Mỗi địa phương cần tổ chức đội ngũ cán bộ chi trả trợ cấp, tặng quà... phải mang đến tận nhà của những người được hưởng chính sách. Đối với thương bệnh binh nặng (1/4) đang sống ở gia đình phải tổ chức chăm sóc thật chu đáo, được hưởng chế độ thuốc ở Ban bảo vệ sức khỏe các cấp. Thường xuyên thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư tình cảm, để động viên kịp thời để anh em yên tâm an dưỡng.

4- Thường xuyên tổ chức họp mặt sinh hoạt tình hình kinh tế chính trị trong và ngoài nước nhằm nâng cao nhận thức của các đối tượng từ đó giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng vẽ vang, luôn xứng đáng là lực lượng trung kiên, nồng cốt tại cơ sở.

Thường xuyên động viên phong trào quần chúng với tinh thần “lá lành đùm lá rách” để nhân dân có điều kiện tham gia đóng góp cùng Nhà nước chăm sóc đời sống các đối tượng chính sách xã hội.

Kỷ niệm những ngày lễ lớn gắn liền với sự ghi ơn các công lao thành tích của anh hùng liệt sĩ các thương binh và những người đã có công trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc giành lại độc lập tự do.

Các cấp lãnh đạo tổ chức triển khai cụ thể hóa chỉ thị này làm chuyển biến rõ rệt phong trào chăm sóc đời sống các đối tượng ở địa phương mình là thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.

Sở Lao động thương binh xã hội, Sở Giáo dục, Sở Y tế, Ủy ban Nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện chỉ thị này; có kiểm tra uốn nắn và bổ sung những điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế và 3 tháng 1 lần tập hợp báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Khánh

 

 

 

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ