Quyết định 192/QĐ-UB năm 1989 về việc quy định tạm thời một số chế độ đối với công nhân viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội của thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 192/QĐ-UB
Ngày ban hành 27/03/1989
Ngày có hiệu lực 27/03/1989
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Vĩnh Nghiệp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

  -----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

  --------

Số: 192/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 1989

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC, LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và UBND đã được Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1983;
Căn cứ Quyết định số 202/HĐBT và 203/HĐBT ngày 28 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về việc tính lại lương cho CNVC Nhà nước, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội;
Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội của thành phố trên cơ sở xem xét tình hình đời sống của CNVC Nhà nước, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chính sách xã hội đang gặp khó khăn và khả năng ngân sách của thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. – Nay tạm thời quy định một số chế độ trợ cấp cho cán bộ, CNVC thuộc Nhà nước như sau:

1. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, áp dụng mức lương tính lại theo tinh thần Quy định số 202/HĐBT ngày 28 tháng 12 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư Liên bộ số 01/TT-LB ngày 12-01-89 để tính quỹ tiền lương dự toán làm cơ sở định các khoản nộp ngân sách, trích nộp Bảo hiểm xã hội và trả trợ cấp thôi việc.

- Các đơn vị sản xuất kinh doanh tiến hành xây dựng quỹ tiền lương khoán, lương sản phẩm và trả lương gắn với kết quả sản xuất cuối cùng.

2. Để đảm bảo mức thu nhập đời sống của CNVC khu vực hành chánh sự nghiệp, lực lượng vũ trang thành phố và các đối tượng hưởng chính sách xã hội đang hưởng chế độ tiền lương được ổn định theo Quy định số 203/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 02/LĐ-TBXH-TT ngày 12-01-198 của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, trong khi chờ Hội đồng Bộ trưởng quyết định phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt theo vùng, từ ngày 01-4-1989 ủy ban nhân dân thành phố cho áp dụng phụ cấp trượt giá 20% tính trên tiền lương và mức trợ cấp đã tính lại theo Quyết định số 203/HĐBT.

- Đối với số CNVC có mức lương thấp, gặp khó khăn thì được trợ cấp hành tháng 10 kg gạo tính giá kinh doanh thương nghiệp (do Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Tài chính quy định đối tượng).

3. Đối với cán bộ, CNVC ngành giáo dục, ngoài tiền lương tính theo Quy định số 203/HĐBT ngày 28-12-1988 của Hội đồng Bộ trưởng và phụ cấp chênh lệch giá nói tại điểm 2 điều 1 của quyết định này, được phép sử dụng “quỹ bảo trợ học đường” để trợ cấp thêm cho giáo viên và CB-CNVC của ngành như sau:

- Mức trợ cấp thêm đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy (kể cả Ban Giám hiệu) là 10.000đ/người/tháng.

- Mức trợ cấp thêm đối với CB-CNVC quản lý, phục vụ là 5.000đ/người/tháng.

- Mức trợ cấp này được áp dụng từ ngày 1-4-1989

4. Đối với các đối tượng hưởng chính sách xã hội, sau khi tính lại tiền lương và trợ cấp theo Quyết định số: 203/HĐBT ngày 28-12-88 của Hội đồng Bộ trưởng thì được trợ cấp thêm, bảo đảm cho thu nhập không giảm so với mức thu nhập (trợ cấp, bù giá) tháng 12-1988. Quỹ trợ cấp này lấy từ quỹ cứu tế xã hội của thành phố.

Đồng thời những đối tượng nói trên cũng được hưởng phụ cấp trượt giá nói tại điểm 2 điều 1 quyết định này tính theo tiền lương và trợ cấp tính lại theo Quy định 203/HĐBT.

5. Về thực hiện Chỉ thị 41/CT-UB của UBND thành phố ngày 25-10-1988, các đơn vị vẫn tiếp tục thực hiện trợ cấp đúng số tháng lương chi trả một lần như quy định của Chỉ thị; cách tính trợ cấp như sau:

- Từ ngày 01-01-1988 đến 31-12-1988 đươc tính theo hướng dẫn của Liên Sở LĐ-TBXH và Tài chính số 281/LĐ-TBXH-TC ngày 19-12-88 và số 15/TC-HCVX ngày 01-01-89 của Sở Tài chính.

- Từ ngày 01-01-1989 trở đi được tính theo quyết định 203/HĐBT ngày 28-12-88 của Hội đồng Bộ trưởng (không tính tiền bù giá các mặt hàng định lượng cho bản thân CB-CNVC và người ăn theo).

6. Đối với những người nghỉ việc theo Quyết định 206 và 174/CP tiếp tục trợ cấp khó khăn với mức tương đương 10 kg gạo/người/tháng, giá kinh doanh thương nghiệp.

7. Về y tế phí: ngoài mức chi theo nguồn kinh phí Trung ương quy định, thành phố trợ cấp thêm 500đ/người/tháng cho CB-CNVC, kể cả đối tượng hưởng chính sách xã hội.

8. Mai táng phí: CB-CNVC và đối tượng chính sách từ trần, ngoài chính sách chế độ Nhà nước hiện hành, trợ cấp thêm bằng giá trị một quan tài loại gỗ thường.

Cách chi trả:

+CB-CNVC khu vực hành chính sự nghiệp không có thu: biên chế do thành phố quản lý thì ngân sách thành phố chi cấp; biên chế do quận, huyện quản lý thì Ngân sách quận, huyện chi cấp.

+ CB-CNVC khu vực sản xuất kinh doanh và sự nghiệp có thu do quỹ phúc lợi của đơn vị chi cấp.

+ Đối tượng chính sách, cấp nào quản lý thì Ngân sách cấp ấy chi.

9. Công nhân viên chức Nhà nước ở hai khu vực sản xuất kinh doanh và hành chính sự nghiệp, công an và các lực lượng vũ trang, đối tượng hưởng chính sách xã hội thuộc thành phố quản lý, được hưởng theo quy định tạm thời này. Nguồn chi cấp: Hành chính sự nghiệp không có thu, Công an và lực lượng vũ trang, đối tượng chính sách do cấp nào quản lý thì Ngân sách cấp ấy chi; khu vực sản xuất kinh doanh và sự nghiệp có thu do quỹ phúc lợi của đơn vị chi.

Điều 2. – Sở Lao động – Thương binh và xã hội phối hợp với Sở Tài chính và Liên Đoàn lao động thành phố hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành, quận, huyện, các đơn vị cơ sở do thành phố quản lý thực hiện quyết định này.

[...]