Chỉ thị 114-TTg năm 1957 về tăng cường lãnh đạo công tác xóa nạn mù chũ và bổ túc văn hóa và chính sách đối với cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
Số hiệu | 114-TTg |
Ngày ban hành | 27/03/1957 |
Ngày có hiệu lực | 11/04/1957 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Kế Toại |
Lĩnh vực | Giáo dục |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 114-TTg |
Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 1957 |
Để đẩy mạnh việc khôi phục kinh tế và bước đầu phát triển văn hóa, đầu năm 1956 Chính phủ đã đề ra nhiệm vụ trong 3 năm phải hoàn thành xóa nạn mù chữ về căn bản ở miền Bắc (trừ miền núi có thể chậm hơn) và dần dần nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ và nhân dân.
Chấp hành nhiệm vụ đó, năm vừa qua cán bộ và nhân dân ta đã có những cố gắng rất lớn, nên công tác Bình dân học vụ đã đạt được một số thành tích đáng kể; nhưng so với yêu cầu thì vẫn còn thấp, nhiều nơi chưa đạt mức kế hoạch, chất lượng công tác còn kém. Đó là vì trong năm qua về mặt khách quan có những khó khăn lớn đã ảnh hưởng đến phong trào, nhưng về mặt chủ quan thì các cấp chính quyền và các ngành các đoàn thể liên quan chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến công tác Bình dân học vụ. Nhiều nơi chính quyền địa phương, nhất là ở cấp huyện và xã, các Ban giám đốc xí nghiệp, công trường... còn khoán trắng công tác Bình dân học vụ cho cán bộ chuyên môn, hoặc có những công tác đột xuất thì cán bộ, giáo viên thường bị trưng tập, việc học tập văn hóa bị đình trệ. Mặt khác, chưa có một chính sách rõ ràng đối với cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ, anh chị em ít được nâng đỡ khuyến khích nên kém phấn khởi, thậm chí có người không muốn tiếp tục công tác Bình dân học vụ.
Để kịp thời sửa chữa tình trạng trên, Thủ tướng phủ ra chỉ thị như sau:
I. – TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO XÓA NẠN MÙ CHỮ VÀ BỔ TÚC VĂN HÓA
Năm nay, bước vào năm thứ hai của kế hoạch, số người mù chữ ở nông thôn vẫn còn nhiều, yêu cầu bổ túc văn hóa càng tăng, cán bộ cơ sở, công nhân viên các cơ quan, công nhân xí nghiệp trình độ văn hóa nói chung còn kém và một số vẫn còn mù chữ. Tình trạng đó, nếu không sớm khắc phục sẽ càng trở ngại đến công tác, đến việc khôi phục và phát triển sản xuất, phát triển văn hóa, củng cố quốc phòng, củng cố Đảng, củng cố chính quyền.
Vì vậy, trước yêu cầu hiện nay, và công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa sắp tới, việc xóa bỏ nạn mù chữ và dần dần phát triển bổ túc văn hóa cho cán bộ và nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Nó lại là một phong trào quần chúng rộng lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều mặt công tác. Các cấp chính quyền và các ngành liên quan cần chú ý tăng cường lãnh đạo công tác này làm cho việc thực hiện kế hoạch Nhà nước được cân đối, toàn diện.
Cụ thể là:
1) Ủy ban Hành chính các cấp, nhất là cấp huyện và xã có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch xóa nạn mù chữ, và phát triển bổ túc văn hóa, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giúp đỡ các cấp giáo dục và cán bộ Bình dân học vụ giải quyết các khó khăn và điều kiện làm việc để phát triển, duy trì phong trào. Các ủy viên phụ trách cần thực sự đảm nhiệm công tác xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa.
2) Trong khi tiến hành việc xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cần đặc biệt chú ý ngăn ngừa và chống quay lại mù chữ. Việc xóa nạn mù chữ cần kiểm tra chặt chẽ, thực hiện đúng tiêu chuẩn đã quy định, một mặt phải có kế hoạch xuất bản và phát hành rộng rãi các loại sách phổ thông, và tổ chức cho nhân dân học thêm để củng cố và phát huy kết quả xóa nạn mù chữ.
3) Các cán bộ, giáo viên và học viên bình dân học vụ đều là những người lớn tuổi vừa sản xuất, công tác, vừa học tập nên rất dễ bị các công tác khác, và hoàn cảnh xung quanh chi phối làm cho phong trào bị gián đoạn ảnh hưởng lớn đến tinh thần học tập của cán bộ và nhân dân. Cho nên việc tổ chức học tập văn hóa phải thích ứng với điều kiện sản xuất, công tác và sinh hoạt của quần chúng. Trong khi lãnh đạo chung, và nhất là những khi có công tác đột xuất, Ủy ban các cấp cần có kế hoạch kết hợp việc học văn hóa với các công tác đó, và thường xuyên phối hợp với các đoàn thể nhân dân, nhất là thanh niên để phát triển, duy trì phong trào. Để tăng cường việc lãnh đạo, phối hợp, tổ chức và động viên rộng rãi các lực luợng xã hội, và các đoàn thể nhân dân giúp đỡ Chính phủ cùng tiến hành công tác xóa nạn mù chữ, tùy địa phương có thể tổ chức các ban vận động diệt dốt có các ngành và các đoàn thể liên quan, các phần tử tri thức ở nông thôn và thành thị, và những người có nhiệt tình với công cuộc bình dân học vụ tham gia.
4) Ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường và quốc doanh lâm khẩn, thủ trưởng phải cùng công đoàn bảo đảm chế độ học tập cho cán bộ, công nhân, nhân viên. Giám đốc hoặc người phụ trách các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường phải chịu trách nhiệm về kế hoạch xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa trong đơn vị mình. Những đơn vị lớn có nhiều cán bộ, và công nhân tham gia học tập cần có cán bộ chuyên trách. Ngành giáo dục và các ngành sở quan có trách nhiệm phối hợp hướng dẫn và đôn đốc cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch xóa nạn mù chữ và bổ túc văn hóa.
II. – CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, GIÁO VIÊN BÌNH DÂN HỌC VỤ
Phong trào Bình dân học vụ là một phong trào quần chúng rộng rãi, giáo viên Bình dân học vụ là những người đã biết chữ và có trình độ văn hóa khá hơn trong nhân dân, và như Hồ Chủ tịch đã nói: "Họ làm việc mà không lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Họ là những người vô danh anh hùng". Công việc của họ rất khó khăn, phức tạp, vừa sản xuất vừa kiên trì vận động, tổ chức, và giảng dạy. Cho nên Chính phủ và nhân dân phải coi trọng họ, phải chú ý động viên bồi dưỡng giúp đỡ họ. Dưới đây là một số điểm cụ thể:
1) Chế độ công tác: Từ trước tới nay cán bộ và giáo viên Bình dân học vụ ở xã thường không được chuyên trách vào công tác của họ, nhiều nơi thường sử dụng vào các công việc khác như thuế, dân công.... làm cho việc học tập của nhân dân bị dở dang, học viên, giáo viên chán nản, lớp học tan rã. Để bổ cứu:
a) Các địa phương cần quy định chế độ công nhận sử dụng, thay đổi cán bộ Bình dân học vụ xã, và các loại giáo viên cho thích hợp, đồng thời nói rõ nghĩa vụ và quyền lợi của họ. Vì đối với các cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ ở cơ sở tuy họ không phải thoát ly sản xuất nhưng họ phải được dần dần bồi dưỡng về mặt nghiệp vụ để tiến hành công tác được tốt, nên trừ trường hợp thật đặc biệt không nên thay đổi luôn.
b) Không nên giao công tác quá nặng cho giáo viên Bình dân học vụ để khỏi ảnh hưởng đến sản xuất và giảng dạy của họ. Đối với những cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ trong khi đang làm nhiệm vụ không nên sử dụng ngang đi làm các công tác khác trừ những trường hợp thật cần thiết và cấp bách thì cần kết hợp làm thế nào để họ vẫn làm được công tác Bình dân học vụ, hoặc giảng dạy.
c) Đối với các cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ công tác tích cực, hoặc dạy học tốt (nhất là các anh chị em gia đình neo bấn về sản xuất và sinh hoạt gặp nhiều khó khăn) thì trong thời gian đang công tác (kể cả khi nghỉ mùa) đều được miễn, giảm dân công, và các loại công vụ khác để họ giảng dạy được liên tục, và đỡ ảnh hưởng đến công việc sản xuất của gia đình. Trong trường hợp đại bộ phận học viên đều đi phục vụ hoặc trong trường hợp thật cần thiết và cấp bách như giữ đê chống lụt... phải huy động nhiều dân công thì có thể huy động cả giáo viên nhưng phải giải thích rõ ràng để họ tự thu xếp với nhau để vừa bảo đảm việc học ở nhà, cũng như trên công trường. Trong thời gian ở công trường các ban chỉ huy cần bố trí công tác cho thích hợp để các giáo viên vừa tham gia sản xuất vừa có điều kiện và thì giờ chuẩn bị bài và giảng dạy được tốt.
2) Bồi dưỡng về chính trị, văn hóa và nghiệp vụ: Nói chung trình độ văn hóa và nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ còn thấp, nhưng phong trào Bình dân học vụ ngày càng phát triển, đội ngũ Bình dân học vụ ngày thêm đông đảo, nên phải tích cực giúp đỡ họ nâng cao trình độ văn hóa và nghiệp vụ. Tùy theo thành tích và yêu cầu công tác được ưu tiên họ tập thêm ở các lớp bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc ở địa phương, được cử đi dự các lớp huấn luyện ngắn kỳ, và tự giúp nhau thường xuyên bồi dưỡng văn hóa, nghiệp vụ trong các tổ giáo viên. Trong điều kiện không trở ngại cho việc dạy học của bản thân mình, các giáo viên phổ thông nên tham gia công tác này. Các cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ trong biên chế thì tùy theo yêu cầu công tác, và khả năng của nhà trường sẽ lần lượt được cử đi học các trường phổ thông lao động, hoặc các trường sư phạm các cấp để trở về công tác cho ngành. Trong việc bồi dưỡng cán bộ cần chú trọng đến các cán bộ dân tộc thiểu số.
Người giáo viên Bình dân học vụ ngoài việc dạy văn hóa, còn phải là người tuyên truyền giải thích các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ trong lớp học để động viên nhân dân tích cực thực hiện. Vì vậy các cấp chính quyền và đoàn thể cần bố trí để họ được tham gia các cuộc hội nghị học tập và phổ biến chính sách chung với các cán bộ trong xã, hoặc nếu cần thì tổ chức các hội nghị riêng cho họ.
3) Động viên, khen thưởng: Bình dân học vụ là một phong trào quần chúng, cần phải động viên, khen thưởng đúng mức và kịp thời. Các đơn vị, các cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ, và những người tích cực tham gia giúp đỡ Bình dân học vụ tùy theo thành tích đều được các cấp chính quyền và các đoàn thể khen thưởng thích đáng. Các địa phương, đơn vị, và những người có thành tích xứng đáng sẽ đề nghị lên Chính phủ xét tặng thưởng huân chương.
Tùy theo nhu cầu và khả năng, các cán bộ và giáo viên có thành tích, có năng lực và kinh nghiệm cần được các cấp chú ý bồi dưỡng và đề bạt. Trong nhân dân cũng như trong các đoàn thể, thành tích tham gia Bình dân học vụ cần được coi trọng như các thành tích khác (sản xuất, dân công v.v...) và coi đó như là một công tác của đoàn thể mình giao cho. Cần chú ý biểu dương ưu đãi và bồi dưỡng các chiến sĩ thi đua diệt dốt ở các cấp.
Đối với các cán bộ, giáo viên trước đây trong thời kỳ kháng chiến, do tham gia Bình dân học vụ hoặc trong khi đang dạy học, đang đi công tác mà bị địch giết, hoặc bắt tra tấn đến chết, vẫn giữ tròn khí tiết cách mạng, nếu được nhân dân xét là xứng đáng đều được công nhận là liệt sĩ, gia đình họ đều được ưu đãi như các gia đình liệt sĩ khác (theo tinh thần chính sách và tiêu chuẩn liệt sĩ đã ban hành).
4) Về vật chất: Trong tình hình cụ thể, các cấp chính quyền và đoàn thể địa phương cần có kế hoạch giúp đỡ thiết thực cho các cán bộ, giáo viên Bình dân học vụ về mặt vật chất để bù đắp một phần sự khó nhọc của họ. Trước hết là các cán bộ Bình dân học vụ xã.
Việc giúp đỡ cần căn cứ vào tình hình thực tế, theo nguyên tắc tự nguyện tự giác của quần chúng mà giải quyết bằng cách tổ chức đổi công, giúp đỡ giáo viên trong sản xuất, hoặc học viên làm tập đoàn gây quỹ tự túc lớp học giúp đỡ giáo viên hoặc do các ban vận động diệt dốt, và bảo trợ Bình dân học vụ giúp đỡ. Đối với các cán bộ kiêm chức giáo viên bổ túc văn hóa ở cơ quan xí nghiệp, công, nông, lâm trường, thì các cơ quan nên sắp xếp thì giờ công tác để những anh em đó có thể vừa công tác, vừa dạy học được.
Ngoài ra các cấp chính quyền phải chú ý giải quyết phương tiện làm việc cho các cán bộ, nhất là cán bộ xã.
Các giáo viên cần được cung cấp tài liệu giáo khoa cần thiết để đảm bảo việc giảng dạy được tốt.