Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 918-QĐ năm 1963 ban hành “quy chế tạm thời về tổ chức lãnh đạo trường bổ túc văn hóa cấp I và cấp II ở nông thôn” và “quy chế về nhiệm vụ của các trường phổ thông làm công tác bổ túc văn hóa ở nông thôn” của Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Số hiệu 918-QĐ
Ngày ban hành 24/12/1963
Ngày có hiệu lực 24/12/1963
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục
Người ký Nguyễn Văn Huyên
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC
*******

Số: 918-QĐ

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 24  tháng 12 năm 1963

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC LÃNH ĐẠO TRƯỜNG BỔ TÚC VĂN HÓA CẤP I VÀ CẤP II Ở NÔNG THÔN” VÀ “QUY CHẾ VỀ NHIỆM VỤ CỦA CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG LÀM CÔNG TÁC BỔ TÚC VĂN HÓA Ở NÔNG THÔN”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ vào Chỉ thị số 042-CT ngày 11-7-1963 của Bộ Giáo dục về phát triển giáo dục năm 1963-1964.
Căn cứ vào Quyết định số 218-CĐ ngày 24-4-1963 của Bộ Giáo dục có quy định nhiệm vụ nhà trường phổ thông làm công tác bổ túc văn hóa.
Xét sự cần thiết phải đưa phong trào bổ túc văn hóa ở nông thôn vào nền nếp.
Căn cứ vào đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ giáo dục cấp I-II.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành: “Quy chế tạm thời về tổ chức lãnh đạo trường bổ túc văn hóa cấp I và cấp II ở nông thôn” và “quy chế về nhiệm vụ của các trường phổ thông làm công tác bổ túc văn hóa ở nông thôn” đính kèm theo quyết định này.

Điều 2.Ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và các ông Vụ trưởng Vụ giáo dục cấp I-II, Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC VÀ LÃNH ĐẠO CÁC TRƯỜNG BỔ TÚC VĂN HÓA CẤP I VÀ CẤP II NÔNG THÔN

Quy chế tạm thời này ấn định những nguyên tắc cơ bản bảo đảm cho phong trào bổ túc văn hóa ở nông thôn phát triển rộng rãi và có nền nếp để bảo đảm chất lượng học tập, phát huy tác dụng mạnh mẽ của nhà trường đến sản xuất và đời sống ở nông thôn.

Chương 1:

MỤC ĐÍCH HỌC BỔ TÚC VĂN HÓA

Điều 1.Cán bộ, thanh niên và xã viên có nhiệm vụ học tập văn hóa để góp phần đẩy mạnh sản xuất và công tác, nâng cao trình độ quản lý hợp tác xã và cải tiến kỹ thuật ở nông thôn.

Theo Nghị quyết 93 ngày 2-12-1959 của Ban bí thư Trung ương Đảng thì việc học tập văn hóa “ngoài nhiệm vụ cung cấp những kiến thức văn hóa cơ bản nhằm giúp cán bộ, công nhân, nông dân giải quyết những vấn đề thiết thực trong công tác, trong sản xuất… còn phải chuẩn bị để người học có thể tiến lên nắm những kiến thức khoa học và kỹ thuật hiện đại”.

Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 3 cũng chỉ rõ: “Bổ túc văn hóa nhằm đạt cơ sở đẩy mạnh công tác giáo dục tư tưởng và chính trị trong nhân dân lao động, xúc tiến công tác đào tạo cán bộ kinh tế và văn hóa theo quy mô lớn và mở rộng công tác phổ biến khoa học kỹ thuật”.

Cho nên việc học bổ túc văn hóa phải có mục đích tính rõ rệt, kiên quyết chống xu hướng học văn hóa chung chung, coi nhẹ phần ứng dụng vào công tác, vào sản xuất, phải theo đúng phương châm như nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã vạch rõ là: “Phải gắn việc học văn hóa với việc học thêm về kỹ thuật, nghiệp vụ”.

Chương 2:

CHƯƠNG TRÌNH VÀ VIỆC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH BỔ TÚC VĂN HÓA

Điều 2. - Bộ Giáo dục đã quy định các chương trình học bổ túc văn hóa cho cán bộ, thanh niên và xã viên hợp tác xã nông nghiệp gồm:

Chương trình cấp I cho trường bổ túc văn hóa cấp I và hợp tác xã.

Chương trình cấp II cho trường bổ túc văn hóa cấp II ở xã.

Mỗi chương trình đã quy định mục đích, yêu cầu, mức độ các môn học, hệ thống các kiến thức và thời gian thực hiện. Các cơ quan giáo dục các cấp và các trường bổ túc văn hóa phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định đó.

Điều 3. - Mỗi địa phương có những đặc điểm riêng của mình cho nên khi thực hiện chương trình nếu có sự thay đổi hoặc thêm bớt nội dung chương trình cần phải được Ty giáo dục quyết định, và chỉ được thay đổi hoặc thêm bớt những điểm đã quy định rõ trong từng môn học của chương trình.

Những tài liệu đã quy định trong chương trình cần được thực hiện đúng đắn, trường hợp không đủ sách giáo khoa thích hợp cần phải theo đúng yêu cầu nội dung và phân phối của chương trình để soạn bài.

Điều 4.Chương trình có ghi cả kế hoạch thực hiện, số tuần học trong một năm và số giờ học hàng tuần.

[...]