Thông tư 265-TTg năm 1958 về việc chấn chỉnh công tác dạy văn hóa cho cán bộ, công nhân viên cơ quan do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
Số hiệu | 265-TTg |
Ngày ban hành | 29/05/1958 |
Ngày có hiệu lực | 13/06/1958 |
Loại văn bản | Thông tư |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Kế Toại |
Lĩnh vực | Giáo dục |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 265-TTg |
Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 1958 |
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC DẠY VĂN HÓA CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN CƠ QUAN
Từ ngày hòa bình lập lại miền Bắc đã chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay công cuộc kiến thiết kinh tế, đấu tranh chính trị, mọi mặt công tác khác đều đòi hỏi cán bộ, công nhân viên không những có tinh thần phục vụ cao, có đạo đức cách mạng và phẩm chất chính trị tốt, mà còn phải có trình độ lý luận, trình độ nghiệp vụ, trình độ văn hóa đến mức nhất định thì mới hoàn thành được nhiệm vụ. Do trình độ văn hóa của cán bộ, công nhân viên thấp đã ảnh hưởng nhiều đến việc bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ cho cán bộ. Nói chung hiện nay năng lực cán bộ, công nhân viên chưa theo kịp yêu cầu của nhiệm vụ, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo thì càng rõ rệt hơn.
Hiện nay hơn 70% cán bộ, công nhân viên có trình độ văn hóa từ lớp 1 đến lớp 4, riêng cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh trở lên thì chỉ có 28% có trình độ văn hóa từ lớp 5 đến lớp 7.
Trong lúc kháng chiến và nhất là từ sau ngày hòa bình lập lại, số đông cán bộ, công nhân viên đã thấy cần thiết phải học văn hóa. Đảng và Chính phủ đã chú ý bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ công nhân viên, nhất là những người đã tham gia cách mạng, tham gia công tác lâu năm, có nhiều thành tích. Năm 1956, ở các cơ quan Dân, Chính Đảng từ trung ương đến huyện đã có 2825 người thoát nạn mù chữ, 19.789 người học cấp 1 và 4.442 người học cấp II. Năm 1957, kết quả học tập văn hóa có tiến độ thêm một bước.
Nhưng việc hướng dẫn học tập văn hóa mới ở bước đầu, chưa có kế hoạch lâu dài và còn nhiều nhược điểm, khuyết điểm như sau:
- Mục đích giáo dục văn hóa cho cán bộ, công nhân viên chưa được quán triệt từ trên xuống dưới, do đó quan niệm về các vấn đề như: học gì? học để làm gì? ai cần học trước, ai học sau chưa được thông suốt và nhất trí. Nhiều cán bộ chỉ đạo kém văn hóa thì ngại học văn hóa; công nhân viên nói chung đi học đông hơn, nhưng nhiều người có tư tưởng học lên cao để đổi ngành, đổi nghề v.v…
- Cán bộ, công nhân viên gặp nhiều khó khăn trong việc học tập văn hóa: bận nhiều việc, đi lưu động, trí nhớ kém. Phương hướng dạy văn hóa cho cán bộ, công nhân viên chưa được quy định cụ thể, chương trình, tài liệu giáo khoa còn đang trong thời kỳ nghiên cứu, việc lãnh đạo, tổ chức học văn hóa cho cán bộ chưa được quy định cụ thể; một số chính sách và chế độ cụ thể trong việc dạy văn hóa cho cán bộ chưa được nghiên cứu và ban hành v.v…
Để chấn chỉnh công tác tổ chức và lãnh đạo dạy văn hóa cho cán bộ công nhân viên cơ quan, Thủ tướng phủ quy định một số vấn đề cụ thể như sau:
Việc dạy văn hóa cho cán bộ, công nhân viên cơ quan nhằm mục đích nâng cao dần dần trình độ văn hóa của cán bộ, công nhân viên từng bước có trọng tâm, giúp họ có một số kiến thức văn hóa phổ thông để cải tiến nghiệp vụ, học tập lý luận có hệ thống để ngày càng tăng hiệu suất công tác, tăng khả năng phục vụ cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Yêu cầu của cách mạng đòi hỏi cán bộ, công nhân viên cơ quan phải nâng cao không ngừng trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ. Muốn thế, trình độ văn hóa phải được nâng cao mới có cơ sở kiến thiết để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Hiện nay không kể cán bộ, công nhân viên ở cấp nào nếu trình độ văn hóa chưa hết lớp 4, gặp trở ngại trong công tác thì phải lấy việc học văn hóa làm chính để có cơ sở tốt học lý luận, chính trị, nghiệp vụ.
Trong 3 năm (1958, 1959, 1960) cần phải cố gắng nâng trình độ văn hóa của cán bộ, công nhân viên mỗi năm lên một lớp. Nói chung sau ba năm, trình độ văn hóa của cán bộ, công nhân viên phải nâng lên hết lớp 4 (công nhân lao động thì có thể thấp hơn). Riêng đối với số đông cán bộ chỉ đạo và một số cán bộ nghiên cứu, cán bộ kỹ thuật hiện có trình độ lớp 3 cần được học hết chương trình lớp 6 và nếu đã có trình độ lớp 4 cần được học hết chương trình lớp 7.
Phương châm dạy văn hóa cho cán bộ, công nhân viên là tốt, nhanh, gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Chương trình và nội dung học phải thiết thực với yêu cầu công tác, yêu cầu học tập chính trị của cán bộ, thích hợp với đặc điểm cán bộ là những người có kinh nghiệm sản xuất, có kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, luôn bận việc v.v…
II. - TỔ CHỨC HỌC TẬP VĂN HÓA.
Việc tổ chức học văn hóa cho cán bộ, công nhân viên cần phải thích ứng với điều kiện công tác, điều kiện sinh hoạt của họ. Cần phát triển việc học văn hóa rộng rãi, nhưng phải có kế hoạch từng bước và phải chú trọng trước tiên đến cán bộ chỉ đạo. Tùy theo tình hình, địa điểm động cơ quan mà tổ chức trường lớp thích hợp để cán bộ, công nhân viên đi học được dễ dàng, thuận tiện, tránh tổ chức lối hình thức, quy mô lớn, tập trung đông người.
Học văn hóa tại chức, ngoài giờ làm việc, mỗi tuần ba buổi (mỗi buổi hai giờ vào trưa hoặc tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu hàng tuần) là hình thức chính cho tất cả cán bộ, công nhân viên cơ quan.
Để bảo đảm được số ngày giờ học tập quy định trên, các cấp chính quyền và các thủ trưởng cơ quan phải bố trí sắp xếp giờ giấc sinh hoạt và công tác thích hợp để cán bộ, công nhân viên có thể đi học được, tránh xâm phạm vào giờ học dành cho bổ túc văn hóa.
Đối với một số cán bộ, công nhân viên công tác lưu động thường xuyên (như Ngân hàng, Thuế vụ, Bưu điện, Công an…) thì hàng tháng cơ quan cần sắp xếp công tác cho nghỉ một số ngày cần thiết để học văn hóa.
Đối với một số cán bộ chỉ đạo mà trình độ văn hóa dưới lớp 4 hiện giữ những nhiệm vụ quan trọng cần thiết phải được bồi dưỡng văn hóa để làm được việc, như: Bí thư huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện, tỉnh ủy viên, khu ủy viên, ủy viên hành chính tỉnh, khu, các Trưởng ty chuyên môn, các Giám đốc các ngành ở cấp khu, cấp trung ương, các Trưởng Phó phòng từ khu trở lên, các Bí thư các đoàn thể nhân dân từ huyện trở lên, các cán bộ Trưởng xưởng, Giám đốc xí nghiệp trở lên và một số cán bộ các ngành có tính chất công tác đặc biệt (văn hóa, bình dân, học vụ….), mà không có điều kiện học tại chức thì nhất thiết được thoát ly công tác đi học văn hóa tại các Trường phổ thông lao động.
Trường phổ thông lao động trung ương sẽ được chấn chỉnh lại để dành riêng cho các cơ quan trực thuộc trung ương và Hà Nội, Hải Phòng. Các tỉnh hoặc liên tỉnh, các khu sẽ mở các trường phổ thông lao động để dạy văn hóa cho cán bộ địa phương.
Đối với một số rất ít cán bộ cao cấp, trung cấp phụ trách những công tác quan trọng mà không thể thoát ly công tác để đến trường học văn hóa hoặc cũng không có thời giờ nhiều để học văn hóa tại chức một cách đều đặn thì cần phải có người giúp đỡ đặc biệt trong việc học văn hóa.
Đối với cán bộ tham gia công tác lâu năm, nếu thu xếp được công tác để đi học văn hóa thì các cấp ủy Đảng, các cơ quan Giáo dục cần phải có biện pháp chiếu cố để nhận anh chị em vào học Trường phổ thông lao động.
Đối với các cán bộ phụ nữ, việc cử đi học vẫn theo tiêu chuẩn chung, nhưng cơ quan và Trường phổ thông lao động cần quan tâm giúp đỡ giải quyết khó khăn về bận con mọn.
Lực lượng giáo viên chủ yếu vẫn dựa vào giáo viên kiêm chức và những người có điều kiện dạy học. Nhưng để lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ các lớp văn hóa ngoài giờ làm việc, cần phải có chế độ cán bộ chuyên trách và có chế độ giáo viên chuyên nghiệp ở những nơi có đông học viên.
Cán bộ chuyên trách có nhiệm vụ giúp các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo việc học văn hóa của cán bộ công nhân viên, tổ chức sắp xếp lớp trong các kỳ khai giảng, duy trì nền nếp của các lớp học, theo dõi việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học viên, tổ chức sơ kết, tổng kết các học kỳ, thường xuyên tổ chức thực tập, kiện tập (một hình thức chuyên môn về giáo dục nhằm giúp đỡ giáo viên biết cách giảng dạy) cho giáo viên kiêm chức, giải quyết những việc bất thường có thể xảy ra hàng ngày như điều hòa giáo viên giữa các lớp, tìm người dạy thay những giáo viên ốm hoặc đi công tác vắng…
Các Bộ và các ngành ở trung ương cần có cán bộ chuyên trách để tổ chức học văn hóa cho cán bộ, công nhân viên cơ quan trung ương và theo dõi đảm bảo chế độ học văn hóa cho cán bộ, công nhân viên thuộc ngành mình ở các địa phương.