Chỉ thị 1117/CT-UBND năm 2021 về tăng cường triển khai, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Số hiệu | 1117/CT-UBND |
Ngày ban hành | 16/06/2021 |
Ngày có hiệu lực | 16/06/2021 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Giang |
Người ký | Nguyễn Văn Sơn |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin,Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1117/CT-UBND |
Hà Giang, ngày 16 tháng 6 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRIỂN KHAI, CUNG CẤP VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN MỨC ĐỘ 3, MỨC ĐỘ 4 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, Nghị quyết số 01/NQ- CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; ngay từ đầu năm 2021, công tác triển khai, cung cấp dịch vụ công trục tuyến mức độ 3, 4 đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần nâng cao các chỉ số thành phần liên quan đến công tác cải cách TTHC của tỉnh. Hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh (https://dichvucong.hagiang.gov.vn) với 100% TTHC của tỉnh được cung cấp đầy đủ thông tin, công khai tình hình, tiến độ giải quyết; 89,69% TTHC được cung cấp ở dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (1.671/1.863 TTHC); 2.955 hồ sơ được nộp và tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của Chính phủ, của tỉnh tiêu chí về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hiện còn nhiều hạn chế, tỷ lệ nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến là rất thấp, đạt 5,13% (cấp tỉnh 46,58%, cấp huyện 1,10%, cấp xã 0%).
Những tồn tại, hạn chế nêu trên là do người đứng đầu một số địa phương, đơn vị còn chưa thực sự quan tâm triển khai, thiếu kiên quyết trong công tác chỉ đạo để nâng cao các chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chưa chủ động trong tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và lợi ích của việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Ngoài ra người dân, doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ CNTT, có tâm lý lo ngại trong việc giao dịch trên môi trường mạng về sự mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công, hoặc sự chưa rõ ràng về việc chứng thực cho các hồ sơ pháp lý trên mạng do thiếu các dịch vụ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chỉ số thành phần liên quan đến công tác cải cách TTHC của tỉnh nói riêng và các chỉ số: Cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hiệu quả quản trị và hành chính công, sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh năm 2021 và những năm tiếp theo. Đồng thời để thực hiện tốt công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
- Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 219/CT-UBND ngày 17/01/2020 của Chủ UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC; Có trách nhiệm chỉ đạo, hoàn thành chỉ tiêu hàng năm trong việc triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết TTHC, nâng cao cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại Kế hoạch số 161/KH- UBND ngày 20/5/2021 của UBND tỉnh.
- Tổ chức quán triệt, xác định việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong cải cách hành chính, trong công tác chỉ đạo điều hành của địa phương, đơn vị.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về những lợi ích thiết thực và tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC, góp phần chung tay cải cách hành chính của tỉnh.
- Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Chánh Văn phòng HĐND- UBND huyện, Thủ trưởng các phòng, ban, chuyên môn thuộc huyện, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai các giải pháp đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã giao tại Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 20/5/2021; bố trí CBCCVC hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch trực tiếp chuyển sang nộp hồ sơ trực tuyến; đảm bảo đủ trang thiết bị, nâng cao năng lực và khả năng đáp ứng của Bộ phận Một cửa để phục vụ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, hoàn thành trước 30/6/2021.
- UBND các huyện, thành phố phối hợp với Bưu điện tỉnh triển khai thực hiện cơ chế giao doanh nghiệp cung ứng dịch vụ Bưu chính công ích đảm nhận một số công việc trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, số hoá hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, nhân lực của cơ quan hành chính nhà nước và khả năng đảm nhận các nhiệm vụ này của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
2. Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công);
- Đôn đốc, hỗ trợ các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết TTHC, thường xuyên rà soát, cập nhật, điều chỉnh kịp thời, đầy đủ, chính xác các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
- Thực hiện quản trị về mặt nội dung Cổng dịch vụ công của tỉnh; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chức năng Cổng dịch vụ công của tỉnh để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận và sử dụng với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ UBND tỉnh giao về hoàn thiện các tiêu chí chức năng, tính năng kỹ thuật của Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu từ CSDL, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ban, ngành Trung ương với Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ và đảm bảo hệ thống vận hành ổn định, an toàn thông tin tại Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 20/5/2021, Công văn số 1374/UBND-PVHCC ngày 11/5/2021, Công văn số 1612/UBND-PVHCC ngày 26/5/2021; thực hiện báo cáo UBND tỉnh về tiến độ, kết quả triển khai các nhiệm vụ trước 30/6/2021.
- Hỗ trợ các đơn vị, địa phương tuyên truyền về công dân điện tử, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
4. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Báo Hà Giang tăng cường tin, bài, phóng sự về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện chủ trương của tỉnh.
5. Sở Nội vụ (Ban Thi đua Khen thưởng) cập nhật, điều chỉnh cơ cấu chấm điểm thi đua năm 2021 với chỉ tiêu về sử dụng dịch vụ công cấp độ 3, 4.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện chỉ thị này. Giao Văn phòng UBND tỉnh đôn đốc, theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH |