Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 11/2005/CT-UB về công tác lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực trật tự xây dựng dân dụng đô thị và vệ sinh môi trường do Thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 11/2005/CT-UB
Ngày ban hành 28/03/2005
Ngày có hiệu lực 28/03/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thanh Tòng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2005/CT-UB

TP.Cần Thơ, ngày 28 tháng 3 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC LẬP LẠI TRẬT TỰ KỶ CƯƠNG TRONG LĨNH VỰC TRẬT TỰ XÂY DỰNG DÂN DỤNG ĐÔ THỊ VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

Trong những năm qua, thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương; đồng thời với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong quản lý trật tự xây dựng dân dụng và bảo vệ cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị trên địa bàn thành phố, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm hành chính, trật tự an toàn xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, địa phương cũng còn những thiếu sót; việc quản lý, theo dõi, kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng dân dụng đô thị và vệ sinh môi trường, từng lúc, từng nơi không kịp thời, chưa kiên quyết, thiếu kiểm tra định kỳ và thường xuyên.

Để chấn chỉnh mặt hạn chế nêu trên và tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực trật tự xây dựng dân dụng đô thị và vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng đô thị thành phố Cần Thơ “Văn minh - xanh - sạch - đẹp”, ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ chỉ thị:

I. TRẬT TỰ XÂY DỰNG DÂN DỤNG ĐÔ THỊ:

1. Tất cả các công trình xây dựng mới, cải tạo, mở rộng, sửa chữa, trùng tu, tôn tạo, trước khi tiến hành xây dựng đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng, trừ các công trình miễn Giấy phép xây dựng được quy định tại điểm a, b, c, d, đ Khoản 1 Điều 62 của Luật Xây dựng.

2. Khi tiến hành xây dựng, Chủ đầu tư phải thực hiện đúng nội dung đã được nêu trong Giấy phép xây dựng, các quy định về quản lý đô thị (lộ giới, Quy chuẩn xây dựng, Tiêu chuẩn xây dựng, hành lang kỹ thuật,...), các quy định của pháp luật về đất đai; trình báo Giấy phép xây dựng đến UBND phường, xã, thị trấn nơi xây dựng biết để kiểm tra; niêm yết Giấy phép xây dựng, tên đơn vị thi công tại công trường trước khi khởi công xây dựng công trình.

3. Trong quá trình thi công, phá dỡ công trình, Chủ đầu tư, đơn vị thi công phải có phương tiện che, chắn, lập hàng rào bảo vệ để đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường trong khu vực.

4. Về thiết kế xây dựng công trình: các tổ chức, cá nhân thực hiện thiết kế xây dựng công trình phải tuân thủ đúng quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 56 của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng.

5. Về thi công xây dựng công trình: các nhà thầu khi hoạt động thi công xây dựng công trình phải tuân thủ đúng quy định tại Khoản 1, 2 Điều 73 của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng.

6. Nghiêm cấm các hành vi xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, lấn chiếm không gian công cộng như: vỉa hè, lòng đường, ao, mương, sông, rạch, hành lang bảo vệ công trình giao thông,...; đối với hành vi vi phạm thì buộc chủ công trình phải tháo dỡ ngay công trình.

7. Các cơ quan, đơn vị có chức năng xử lý vi phạm hành chính và Chủ tịch UBND quận, huyện, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với những hành vi vi phạm hành chính về trật tự xây dựng dân dụng đô thị trên địa bàn mình quản lý. Các địa phương phải lập kế hoạch giải toả, thu hồi dứt điểm phần đất chiếm lộ giới trên các tuyến đường, sông, rạch,... của đô thị.

Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức hay cá nhân nào cố tình tiếp tay, hỗ trợ các Chủ đầu tư thực hiện sai quy định về xây dựng, thì tùy theo mức độ sai phạm để áp dụng hình thức cảnh cáo, kỷ luật, bồi thường thiệt hại,...; đồng thời, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

8. Trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền xử lý phải đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định trong Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/PL-UBTVQH ngày 02/7/2002 của ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà.

9. Chủ tịch UBND quận, huyện phải thực hiện đầy đủ chức năng và nhiệm vụ đã được phân cấp theo Quyết định số 51/2000/QĐ-UB ngày 14/8/2000 về việc ban hành Quy định phân cấp quản lý quy hoạch xây dựng trên điạ bàn tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ); đồng thời, căn cứ vào quy hoạch được duyệt để cùng với đơn vị có liên quan, đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổ chức đo đạc, xác định chỉ giới xây dựng, tim đường, mốc lộ giới,....

10. Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng quy định về chiều cao, tầng cao và cao độ xây dựng trên địa bàn thành phố trên cơ sở một hệ cao độ chuẩn trình UBND thành phố xem xét, ban hành để các địa phương có cơ sở quản lý và triển khai thực hiện.

11. Căn cứ Nghị định 171/1999/NĐ-CP ngày 07/12/1999 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường sông và quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt, UBND quận, huyện trong điều kiện cụ thể ban hành các văn bản quy định hành lang bảo vệ các sông, rạch trên địa bàn quản lý và tổ chức công bố để người dân biết và thực hiện.

II. VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, CẢNH QUAN ĐÔ THỊ:

1. Vệ sinh môi trường:

1.1. Chủ đầu tư, chủ dự án khi xây dựng khu đô thị, khu dân cư phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trình cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường thẩm định theo Điều 18 Luật Bảo vệ Môi trường. Tổ chức, cá nhân khi tiến hành xây dựng công trình phải nghiêm túc thực hiện theo Luật Bảo vệ Môi trường và các quy định hiện hành của Nhà nước về bảo vệ môi trường.

1.2. Việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ở các khu đô thị mới phải được thực hiện đồng bộ, không gây ô nhiễm môi trường. Đối với khu đô thị cũ phải thực hiện nghiêm túc việc khôi phục lại theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật các công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp.

Tại các khu đô thị mới phải xây dựng riêng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải sinh hoạt; có trạm xử lý nước thải để xử lý trước khi xả ra sông, rạch, ao, hồ. Các nhà đầu tư phải nộp tiền vào ngân sách thành phố để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, không xây dựng trạm xử lý nước thải cục bộ tại từng khu dân cư.

1.3. Các hành vi bị nghiêm cấm:

- Để chất thải xây dựng trên vỉa hè, lòng đường quá 08 giờ đồng hồ;

- Các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng vào công trình xây dựng để rơi vãi đất, cát, đá,... trên đường phố;

- Bỏ các loại chất thải độc hại, chất dễ gây cháy nổ vào các phương tiện chứa rác, cống rãnh thoát nước công cộng;

- Vứt rác, xác súc vật chết và các chất thải rắn ra đường, nơi công cộng, xuống sông rạch, ao, hồ;

- Làm bẩn, viết, vẽ, dán các loại thông báo, quảng cáo trái phép trên mặt đất, tường, cây xanh, đường phố, cầu đường, tượng đài hoặc các công trình công cộng khác;

[...]