Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2023 về tăng cường thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 12/05/2023
Ngày có hiệu lực 12/05/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-CTUBND

Vĩnh Phúc, ngày 12 tháng 5 năm 2023

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG, HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch, đầu tư ngày một đồng bộ, hiện đại; đặc biệt công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ngày càng được chú trọng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra như tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ vẫn xảy ra trên một số đoạn đường, nhất là các thị trấn, nơi tập trung các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do ý thức của một bộ phận không nhỏ cá nhân, tổ chức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ còn chưa cao; trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ngành và chính quyền địa phương trong công tác quản lý và xử lý vi phạm chưa thực sự hiệu quả, chưa thường xuyên; còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến vi phạm chưa được xử lý một cách triệt để, nhất là các hành vi vi phạm như: San lấp mặt bằng làm mất chức năng tiêu thoát nước của đường bộ; đấu nối đường ngang trái phép; tự ý xây dựng công trình, lắp đặt biển quảng cáo và bày bán hàng hóa trái phép trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ; vi phạm về tải trọng phương tiện, khổ giới hạn, lôi kéo bùn, đất ra đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường...

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm phát sinh và có phương án xử lý các trường hợp vi phạm do lịch sử để lại, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông (ATGT), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Nghiêm túc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ và Quyết định số 45/2019/QĐ- UBND ngày 04/10/2019 của UBND tỉnh ban hành “Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng trong công tác phối hợp giữa ngành Giao thông vận tải (GTVT) với các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

3. Tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra đối với các cá nhân, tổ chức liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm;

4. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định của pháp luật;

5. Ngoài các nội dung nêu trên, các sở, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ cụ thể sau:

5.1. Sở Giao thông vận tải

- Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn trên các tuyến đường thuộc cấp tỉnh quản lý và quốc lộ ủy thác, xử lý các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn mất ATGT; Yêu cầu các đơn vị duy tu, sửa chữa đường bộ chủ động triển khai công tác bảo dưỡng thường xuyên theo hợp đồng đã ký, phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn, bảo đảm mặt đường êm thuận, thông thoáng và thoát nước tốt...; Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ, không để người dân xây dựng xong các công trình vi phạm mới phát hiện, yêu cầu tháo dỡ gây lãng phí về kinh tế và bức xúc trong nhân dân;

- Phối hợp với UBND cấp huyện giải tỏa, xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến đường được giao quản lý;

- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và đơn vị quản lý đường bộ để xử lý các vi phạm; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định của pháp luật, không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, có trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông, tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc chuyển hồ sơ vi phạm cho chính quyền địa phương xử lý vi phạm theo quy định;

- Là cơ quan đầu mối, theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này; phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh.

5.2. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền. Chủ trì phối hợp với Sở GTVT, UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về tải trọng, khổ giới hạn, kích thước thành thùng, xếp dỡ hàng hóa của phương tiện cơ giới đường bộ;

- Chỉ đạo Công an cấp huyện và lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT và chính quyền địa phương triển khai thực hiện bảo vệ kết cấu hạ tầng, hành lang an toàn đường bộ, giải tỏa các trường hợp vi phạm, không để xảy ra trường hợp tái lấn chiếm trở lại sau khi giải tỏa.

5.3. Sở Tư pháp

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện trong việc xử lý các hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5.4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khi thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư.

5.5. Ban Quản lý các khu công nghiệp

- Thẩm định dự án và thiết kế kỹ thuật đối với các dự án, công trình trong khu công nghiệp đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường giao thông nội bộ trong các khu công nghiệp.

5.6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, UBND cấp huyện tổng hợp, phân bổ kinh phí bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo phân cấp, kể cả kinh phí giải toả hành lang an toàn đường bộ được bố trí từ nguồn chi sự nghiệp ngân sách nhà nước.

5.7. Sở Xây dựng

[...]