Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2021 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài động vật, chim hoang dã do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 28/07/2021
Ngày có hiệu lực 28/07/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 28 tháng 07 năm 2021

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÁC LOÀI ĐỘNG VẬT, CHIM HOANG DÃ

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển các loài động vật hoang dã nói chung, các loài chim hoang dã nói riêng trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; trong đó: Đã cấp và quản lý tốt 222 giấy chứng nhận, mã số cơ sở nuôi các loài động vật động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (rắn ráo trâu, rắn hổ mang, cầy vòi hương, cầy vòi mốc…); quản lý thông qua gắn chíp điện tử đối với 12 cá thể Gấu ngựa; vận động người dân trao trả 02 cá thể Gấu ngựa cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và vận động các hộ gia đình, nhà hàng, cá nhân ký cam kết không mua bán, tiêu thụ các loài động vật, chim hoang dã (từ năm 2016 đến nay đã xử lý 32 vụ việc vi phạm với gần 300 kg, 1.360 cá thể, riêng đối với các loài chim hoang dã đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, truy quét và tịch thu tang vật và thả về tự nhiên hàng trăm con chim mồi...).

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng săn bắn, bẫy, bắt và mua bán, vận chuyển, nuôi nhốt và chế biến trái phép động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã vẫn còn diễn ra phổ biến, ý thức bảo vệ động vật hoang dã của người dân còn rất hạn chế làm gia tăng nguy cơ tuyệt chủng nhiều loài động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cân bằng sinh thái; cùng với đó còn phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tiến tới chấm dứt tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán và chế biến trái phép động vật hoang dã, nhất là các loài chim hoang dã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 3585/UBND-KTN ngày 17 tháng 8 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai một số giải pháp quản lý động vật hoang dã;

- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về săn, bắt, mua bán, vận chuyển các loài động vật, chim hoang dã theo quy định. Nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý các hoạt động liên quan đến các loài chim cảnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và các quy định khác có liên quan;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ động vật, chim hoang dã đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và người dân trên địa bàn; hướng dẫn ký cam kết về việc không kinh doanh, mua, bán, giết mổ, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo động vật hoang dã hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã trái pháp luật;

- Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; định kỳ hàng năm tổng hợp, cáo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện, trước mắt là tổng hợp, báo cáo, đánh giá kết quả 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ. Kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tháo gỡ, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

2. Công an tỉnh

- Tăng cường công tác phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, các loài chim hoang dã. Đặc biệt là công tác quản lý, sử dụng các loại súng săn, súng tự chế, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức trong việc mua bán, tàng trữ, săn bắt, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép các loài động vật, chim hoang dã theo quy định;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép động vật, các loài chim hoang dã trên môi trường mạng.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý các loài động vật, chim hoang dã. Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, internet nhằm mục đích quảng cáo, mua, bán các loài động vật, chim hoang dã.

4. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh trái phép các loài động vật, chim hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

5. Các sở, ban, ngành

Tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo mua, bán các loài động vật, chim hoang dã trái pháp luật.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị

- Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã, nhất là tình trạng săn bắt các loài chim sống trong các khu dân cư, công viên, ao, hồ, đầm, bãi nổi trên sông...;

- Tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật, chim hoang dã đến mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư;

- Tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài động vật, chim hoang dã.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nếu không có biện pháp xử lý kiên quyết để xảy ra tình trạng săn bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh trái phép động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức, đoàn thể

Chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên, đoàn viên, cộng đồng dân cư các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loại động vật, chim hoang dã; không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo dưới mọi hình thức các loài động vật, chim hoang dã trái pháp luật; thực hiện giám sát, tố giác các hành vi vi phạm với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Hải

[...]