Chỉ thị 10/CT-UBND năm 2019 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 tỉnh Lào Cai

Số hiệu 10/CT-UBND
Ngày ban hành 08/07/2019
Ngày có hiệu lực 08/07/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Đặng Xuân Phong
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/CT-UBND

Lào Cai, ngày 08 tháng 7 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020 TỈNH LÀO CAI

Năm 2020 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV, 04 chương trình, 19 đề án của Tỉnh ủy và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp. Tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đối với tỉnh Lào Cai, kế thừa những thành tựu của tỉnh kể từ khi tái lập, tỉnh đã khẳng định được vị thế đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống Nhân dân được cải thiện; tuy nhiên, chúng ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như quy mô kinh tế còn nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao (trên 25%), liên kết trong sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn yếu, môi trường khu công nghiệp chưa đảm bảo; hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, công tác quản lý, chất lượng dịch vụ du lịch chưa theo kịp sự tăng trưởng, trong lĩnh vực giáo dục, y tế cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, thiếu nhân lực đáp ứng yêu cầu... Do vậy, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý,... căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ còn lại của giai đoạn 2016-2020 và tình hình, kết quả thực hiện đến nay để xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; đồng thời duy trì sự tập trung cao độ, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2016-2020 theo các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020.

A. YÊU CẦU XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

1. Nguyên tắc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

- Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 phải phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; các chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh.

- Việc triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 phải đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và tăng cường trách nhiệm giải trình trong xây dựng kế hoạch và phân bổ các nguồn lực.

2. Yêu cầu xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020

- Tổ chức đánh giá đúng thực chất tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2019 trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2019; trong đó chú trọng đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 19/12/2018 của UBND tỉnh về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; đồng thời làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; các tồn tại, hạn chế, trong đó phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan, các biện pháp khắc phục trong những tháng cuối năm.

- Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, căn cứ các mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có tác động, ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngành, lĩnh vực của tỉnh, địa bàn huyện/thành phố, xác định mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ xây dựng Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

- Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 phải gắn với 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; kết hợp chặt chẽ và phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Kế hoạch tài chính trung hạn 5 năm 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; các chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

I. Mục tiêu tổng quát: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV gắn với 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, năm 2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%; nâng cao chất lượng tăng trưởng từng ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh; quyết liệt thực hiện các dự án quan trọng, công trình trọng điểm của tỉnh. Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, vùng thấp và vùng cao. Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội; ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao năng lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành các cấp chính quyền; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

II. Định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

1. Thực hiện đồng bộ, nhất quán các chính sách vĩ mô của Trung ương nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

- Bảo đảm tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên trong tỉnh và thực hiện các chương trình, đề án trọng tâm; hạn chế tín dụng đen. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tập trung chống thất thu, trốn lậu thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; có chính sách nuôi dưỡng nguồn thu để phát triển. Điều hành chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, theo dự toán được giao.

- Tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình, điều hành hiệu quả để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là về thu - chi ngân sách nhà nước, đầu tư, xuất nhập khẩu,...

2. Xây dựng các cơ chế, chính sách; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển

- Rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành và đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mới cần thiết để tạo đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn; đẩy mạnh các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

- Khẩn trương lập quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (phấn đấu phê duyệt trong tháng 8/2020) để làm căn cứ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết tại các địa bàn như: thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Bảo Thắng,...

- Tập trung rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nhất là về thủ tục hành chính, quy định pháp lý trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai,...; đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, các trình tự, thủ tục còn chưa rõ ràng, chồng chéo trong phân cấp trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp, bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật và khả thi, công khai, minh bạch. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thi công các công trình trọng điểm, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI như: Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; Đường kết nối ga Phố Mới (Lào Cai) - ga Bảo Hà, huyện Văn Yên (Yên Bái) và Trung tâm huyện Văn Bàn - Văn Yên giai đoạn I; Khu hành chính mới huyện Sa Pa; Khu công viên và vui chơi giải trí Bát Xát; Đường tránh QL4D đoạn qua thị trấn Sa Pa (Km100-Km111); Kè sông Hồng, di dân bố trí tái định cư khu vực Cánh Chín - xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai; Đường Quý Xa - Tằng Loỏng; Trụ sở hợp khối huyện Bảo Yên, Văn Bàn,...; Hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công mới các dự án lớn, quan trọng của tỉnh như: Cảng hàng không Sa Pa; cầu biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại xã Bản Vược, huyện Bát Xát; cầu Làng Giàng, cầu Phú Thịnh bắc qua sông Hồng tại thành phố Lào Cai...; đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh thực hiện các dự án: Khu đô thị Đông Bắc Sa Pa, Công viên văn hóa Mường Hoa, Tổ hợp trung tâm thương mại tại Sân vận động và Trung tâm hành chính cũ Sa Pa, Dự án Sân Golf Bắc Cường, Sân Golf Bát Xát,...

- Đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt đối với hạ tầng thương mại; hạ tầng giáo dục, đào tạo; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể dục, thể thao; hạ tầng thông tin và truyền thông;... đặc biệt là tại các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Ưu tiên các dự án có công nghệ cao; công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ hữu cơ với khu vực kinh tế trong tỉnh.

- Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo nghề theo nhu cầu gắn với thị trường lao động, tăng cường công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đề xuất các cơ chế, giải pháp đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh theo hướng gắn với phát triển thị trường lao động trong và ngoài nước. Tăng cường quản lý lao động qua biên giới theo Biên bản Hội đàm với Chính phủ Nhân dân huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Thực hiện tốt các hoạt động đào tạo tại các trường chuyên nghiệp sau khi sáp nhập.

3. Phát triển các ngành kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển dịch nội ngành theo hướng tăng nhanh hơn tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó:

+ Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ còn lại của Đề án “Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020”; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thâm canh, sử dụng giống mới, bố trí cơ cấu giống, thời vụ hợp lý đảm bảo diện tích gieo trồng; sản xuất lúa chất lượng cao, mở rộng diện tích thực hiện cánh đồng một giống; hình thành vùng sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao; xây dựng và phát triển các vùng rau chuyên canh, rau an toàn, rau trái vụ vùng cao để gia tăng giá trị; cải tạo và phát triển cây ăn quả ôn đới, các loại cây trồng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Thực hiện tích tụ, tập trung đất đai gắn với tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ. Phát triển mạnh chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại theo hướng VIETGAHP ở các khu vực vùng thấp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh của những địa phương như thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bảo Yên theo phương thức công nghiệp gắn với giết mổ tập trung, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển các đàn vật nuôi đặc sản ở khu vực vùng cao như: lợn đen, gà, vịt Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà. Chủ động giám sát, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, trong đó chú trọng đẩy mạnh xây dựng, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ tại các huyện. Phát triển nuôi cá lồng, các loài cá có giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá chiên, trắm cỏ, cá chép, diêu hồng tại Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương. Tăng cường vận động khuyến khích người dân tự trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao (trồng các loài cây kinh tế như Quế, Trẩu...), thực hiện xã hội hóa nghề rừng, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trồng rừng theo hình thức PPP (nhà nước cho thuê đất để doanh nghiệp trồng rừng...). Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, phát triển chuỗi các ngành hàng, liên kết giữa tổ chức sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm. Tích cực huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã hoàn thành; tập trung đầu tư cho các xã dự kiến hoàn thành nông thôn mới năm 2020 theo kế hoạch được duyệt.

+ Khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Thực hiện chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành khai khoáng, tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh; trong đó chú trọng phát triển lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ kim loại đồng, thép, hóa chất cơ bản; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến nông lâm sản, dược liệu. Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất kinh doanh. Kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm (Dự án khai thác mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền; Nhà máy luyện đồng Bản Qua; Dự án khai thác mỏ apatit Tam Đỉnh, làng Phúng; dự án sản xuất dây cáp điện và các dự án thủy điện...), đảm bảo cung ứng điện năng đầy đủ, ổn định cho các nhà máy trên địa bàn. Rà soát, nâng cao hiệu quả các khu, cụm công nghiệp (kiên quyết thu hồi dự án không triển khai, triển khai không đúng nội dung được duyệt, dự án vi phạm). Nghiên cứu quy hoạch thêm các khu công nghiệp để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao công tác quản lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các dự án và các khu công nghiệp. Phát triển nghề và làng nghề để tận dụng nguồn nguyên liệu, nguồn nhân công tại chỗ, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

[...]