Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Số hiệu | 09/CT-UBND |
Ngày ban hành | 22/05/2017 |
Ngày có hiệu lực | 22/05/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký | Đinh Văn Thu |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Quảng Nam, ngày 22 tháng 05 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và chương trình hành động của Tỉnh ủy; thời gian qua công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh (sau đây viết tắt là PCCC và CNCH) đạt được nhiều kết quả tích cực; việc phòng cháy ở nhiều nơi đã đi vào nề nếp, các vụ cháy xảy ra đã chữa cháy tích cực, kịp thời; phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng phát triển, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong công tác PCCC; công tác quản lý nhà nước về PCCC được tăng cường; tình hình cháy, nổ cơ bản được kiềm chế. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình hình cháy trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, số vụ cháy có chiều hướng gia tăng, có vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến công tác PCCC; một số cơ quan, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ và duy trì tốt các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC, còn có biểu hiện đối phó hình thức; công tác tổ chức phòng cháy, chữa cháy còn những bất cập. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu làm nguy cơ cháy ngày càng gia tăng.
Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ gây ra; bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội quan trọng, nhất là Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC 2017), Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 30/7/2015 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kế hoạch số 5618/KH-UBND ngày 04/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng, người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác đảm bảo ANTT an toàn PCCC với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đơn vị mình; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, sát thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn PCCC, qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra trên địa bàn tỉnh.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào "Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy” gắn với phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thực hiện hiệu quả phương châm 4 tại chỗ “lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Xây dựng và nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (04/10).
- Tổ chức rà soát, thống kê các công trình có nguy cơ cháy, nổ cao đã đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực năm 2001. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá mức độ, nguy cơ cháy, nổ của từng công trình, có biện pháp và giải pháp giải quyết để đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định, nhất là các công trình sản xuất nằm trong khu dân cư.
- Chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư, nhà liền kề, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhất là ở các khu đô thị, khu phố cổ Hội An; các cơ sở sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC; làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở vi phạm. Kiểm tra, đánh giá và bổ sung xây dựng mới các bến lấy nước để phục vụ công tác chữa cháy tại địa phương.
- Chỉ đạo củng cố, xây dựng mới và duy trì hoạt động lực lượng phòng cháy, chữa cháy dân phòng theo quy định; đồng thời, trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tổ chức huấn luyện, nâng cao kiến thức PCCC đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy ngay tại địa bàn dân cư.
- Các địa phương có rừng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng; chủ động các phương án chữa cháy và đầu tư trang bị phương tiện phục vụ chữa cháy; thường xuyên kiểm tra thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp
- Chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ quan, đơn vị, cơ sở mình; thường xuyên tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC tăng cường tuyên truyền, huấn luyện về PCCC cho đội viên đội PCCC cơ sở CBCNV người lao động; củng cố, bổ sung đội PCCC cơ sở, trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy theo đúng quy định.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo ngành dọc thực hiện tốt công tác tự kiểm tra an toàn PCCC, nhất là kiểm tra việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện, khả năng hoạt động của phương tiện chữa cháy tại chỗ; xây dựng chữa cháy cơ sở phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng cơ quan, đơn vị; bố trí cán bộ làm việc tại phòng, kho, cán bộ trực bảo vệ cơ quan phải qua huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy ban đầu; phân công lực lượng thường trực để đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.
4. Công an tỉnh
- Chủ động nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo, để có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về PCCC; chú trọng kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, nhất là các khu dân cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kho tàng lớn tập trung nhiều hàng hóa, chất dễ cháy, nổ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng cơ sở, dân phòng, người lao động và Nhân dân; thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ, trong các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp.
- Thường xuyên tập luyện; tổ chức tốt lực lượng, phương tiện thường trực để kịp thời xử lý các vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng, nhất là thiệt hại về người; tham mưu UBND tỉnh tổ chức diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng, phương tiện năm 2017.
- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, khảo sát, thống kê các công trình có nguy cơ cháy, nổ cao đã đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC có hiệu lực năm 2001, các khu dân cư tập trung. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá mức độ, nguy cơ cháy, nổ của từng công trình, khu dân cư để cùng với cấp ủy, chính quyền các địa phương có biện pháp, giải pháp xử lý dứt điểm đối với các cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC.
- Khi có cháy, nổ xảy ra, tập trung lực lượng có phương án chữa cháy kịp thời, hiệu quả; tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về PCCC; những trường hợp vi phạm nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố, điều tra và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
- Khẩn trương làm việc với Bộ Công an và các ngành liên quan để thành lập Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Nam theo đề án đã trình.
- Xây dựng đề án để từng bước đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác PCCC, CNCH.
5. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng tiêu chí và triển khai mô hình Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC. Sớm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở kinh doanh khí trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22/3/2016 của Chính phủ. Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn đối với hàng hóa có nguy hiểm về cháy, nổ, các biện pháp phòng, chống sự cố hóa chất, sự cố tràn dầu; đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sản xuất, tồn chứa, kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; trong quản lý, sử dụng, vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị điện lực khắc phục kịp thời tình trạng sự cố kỹ thuật, ngăn ngừa sự cố cháy, nổ xảy ra trên đường dây và trạm biến áp.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bố trí thời lượng, xây dựng nội dung bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy, kỹ năng về xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn lồng ghép vào chương trình giáo dục pháp luật, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường, cơ sở giáo dục phù hợp với từng cấp học, ngành học.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Quảng Nam phối hợp với Công an tỉnh tăng cường xây dựng và đăng phát các tin, bài có nội dung tuyên truyền về PCCC; tăng thời lượng phát phóng sự, đưa tin, bài, phổ biến giáo dục pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức tuyên truyền "Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy 04/10”, kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng cháy chữa cháy, phê bình, xử lý nghiêm các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung.
8. Sở Xây dựng và các ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc quy định thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi cấp phép xây dựng, các công trình trước khi đưa vào hoạt động phải được tổ chức nghiệm thu về PCCC.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR); ứng dụng tiến bộ công nghệ để theo dõi cháy rừng; chủ động phối hợp với các chủ rừng tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng PCCCR tại chỗ. Phối hợp với Công an tỉnh xây dựng, bổ sung các phương án PCCCR. Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về PCCCR theo quy định.
10. Chủ đầu tư các khu dân cư, khu công nghiệp rà soát, bổ sung xây dựng các trụ nước chữa cháy tại các khu dân cư, khu công nghiệp có nguy hiểm cao về cháy, nổ; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và tăng cường các biện pháp quản lý chặt các trụ nước chữa cháy đảm bảo điều kiện kỹ thuật phục vụ hiệu quả công tác chữa cháy.