Chỉ thị 09/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Hải Dương ban hành
Số hiệu | 09/CT-UBND |
Ngày ban hành | 10/07/2017 |
Ngày có hiệu lực | 10/07/2017 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hải Dương |
Người ký | Nguyễn Dương Thái |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/CT-UBND |
Hải Dương, ngày 10 tháng 07 năm 2017 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ trong cả nước nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng còn nhiều diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ và thiệt hại. Theo thống kê năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 5.121 vụ cháy 52 vụ nổ, làm chết 180 người, bị thương 387 người, thiệt hại tài sản ước tính hàng nghìn tỷ đồng; trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 63 vụ cháy, làm 04 người bị thương, thiệt hại về tài sản 10,1 tỷ đồng. Hậu quả của các vụ cháy đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự chung trên địa bàn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (điển hình như: vụ cháy tại Tuabin số 02 dây chuyền sản xuất số 01 Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại ngày 06/6/2017; vụ cháy tại chợ Phú Yên, thành phố Hải Dương ngày 19/4/2016 thiệt hại 04 tỷ đồng).
Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình hình cháy nổ gia tăng là do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhu cầu sử dụng năng lượng điện trong nhân dân tăng cao; bên cạnh đó người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, cơ sở chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy trong sản xuất, kinh doanh; việc phát hiện cháy của lực lượng tại chỗ chưa kịp thời, thông tin báo cháy chậm; mạng lưới các đội phòng cháy chữa cháy của tỉnh còn mỏng, khoảng cách từ đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đến đám cháy xa, đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy.
Để tiếp tục thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Công điện số 1926/CĐ-TTg, ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy; Quyết định số 1635/QĐ-TTg, ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Chương trình hành động số 18-CTr/TU, ngày 31/8/2016 của Tỉnh ủy Hải Dương về việc thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trách nhiệm của chủ hộ gia đình mà pháp luật quy định trong công tác phòng cháy chữa cháy, đồng thời tổ chức ký cam kết bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy đối với những cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ.
2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải xác định công tác phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; kết hợp chặt chẽ giữa công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng cháy chữa cháy với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các đơn vị, địa phương. Duy trì tốt các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy với tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý, theo phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ. Chú trọng việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy; rà soát, bổ sung, củng cố, duy trì hoạt động hiệu quả lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, dân phòng; xây dựng; thực tập các phương án chữa cháy sát với thực tế, chủ động phòng ngừa không để xảy ra cháy lớn, cháy lan.
3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Tăng thời lượng các tin, bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, nhất là các biện pháp thoát nạn, cứu người bị nạn khi có cháy nổ hoặc sự cố xảy ra, công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, công tác bảo vệ tuần tra canh gác tại cơ sở... để các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết tự giác thực hiện; phê phán các hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy để giáo dục phòng ngừa chung.
Đài phát thanh và truyền hình tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan mở chuyên mục tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy.
4. Công an tỉnh nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy; tham, mưu, hướng dẫn, kiểm tra định kỳ công tác phòng cháy đối với các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung, cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, khu vui chơi giải trí tập trung đông người, cơ sở sản xuất và các công trình trọng điểm khác có nguy cơ cháy, nổ cao; hướng dẫn các tổ chức cá nhân thực nghiêm túc chế độ thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy các dự án quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, các công trình hạng mục công trình về phòng cháy chữa cháy; tổ chức điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ cháy xảy ra; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan sớm đề xuất UBND tỉnh xem xét bố trí quỹ đất xây dựng doanh trại cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy theo dự án ODA của Nhật Bản hỗ trợ theo chỉ đạo của Bộ Công an.
5. Sở Xây dựng và các ngành, địa phương có liên quan khi xem xét phê duyệt quy hoạch cũng như thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng các dự án, công trình, nhất là các dự án, công trình có nhiều hạng mục liên quan tới cháy, nổ phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy, trong đó cần lưu ý đến đường giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; khoảng cách an toàn giữa các công trình, các giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan, hệ thống phòng cháy chữa cháy. Chỉ cấp phép khi chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng.
6. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng... Kiểm tra, hướng dẫn các địa phương, chủ rừng các giải pháp về phòng cháy chữa cháy rừng, chuẩn bị tốt về lực lượng, phương tiện tại chỗ để xử lý có hiệu quả khi có sự cố cháy rừng xảy ra tăng cường công tác tuần tra canh gác nhằm phát hiện sớm các điểm cháy để chữa cháy kịp thời, hiệu quả; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy đối với lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
|
CHỦ TỊCH |