Chỉ thị 09/2013/CT-UBND tăng cường quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Số hiệu 09/2013/CT-UBND
Ngày ban hành 07/06/2013
Ngày có hiệu lực 17/06/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Nguyễn Văn Trăm
Lĩnh vực Bảo hiểm,Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2013/CT-UBND

Bình Phước, ngày 07 tháng 6 năm 2013

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Luật Bảo hiểm xã hội thuộc hệ thống Pháp luật Việt Nam được ban hành nhằm thể chế hóa các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Tổ chức thực hiện các văn bản luật có hiệu lực, tiến tới bảo hiểm xã hội cho mọi người lao động là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với chính sách xã hội quan trọng này.

Những năm qua, công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả: có 74.771 người tham gia bảo hiểm xã hội (trong đó 74.407 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; 65.945 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 364 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện). Việc chi trả lương hưu và giải quyết các chế độ trợ cấp cho đối tượng có liên quan được thực hiện kịp thời.

Tuy nhiên, nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của Luật Bảo hiểm xã hội ở một số doanh nghiệp, một số hộ kinh doanh cá thể có thuê mướn người lao động chưa cao dẫn đến việc thực hiện các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội còn hạn chế. Tình trạng vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội còn phổ biến, tính chất ngày càng phức tạp. Nhiều doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh đi vào hoạt động nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài với số tiền lớn (theo số liệu thống kê: tính đến ngày 31/01/2013 có 108 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội từ 01 tháng trở lên, với số tiền là 7.043.379.345 đồng và tình trạng cơ quan hành chính nhà nước nợ tiền bảo hiểm xã hội còn khá phổ biến).

Bên cạnh đó, tình trạng người lao động lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp xảy ra khá phổ biến. Việc xử lý những sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội chưa nghiêm dẫn đến tình trạng tái phạm và chậm khắc phục hậu quả làm cho tính nghiêm minh của pháp luật không được đảm bảo và quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Công tác vận động, tuyên truyền còn nhiều hạn chế nên số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp so với thực tế.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, đồng thời triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trên địa bàn tỉnh, tiến tới đến năm 2020 có 100% người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc được tham gia theo Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 14/01/2013 của Tỉnh ủy Bình Phước thực hiện Nghị quyết TW5 (khóa XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện (gọi chung là chính sách bảo hiểm xã hội) trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiểu biết, trách nhiệm tham gia và thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật của người lao động.

b) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác nhân sự - tiền lương và ủy viên Ban chấp hành Công đoàn trong doanh nghiệp về Luật Bảo hiểm xã hội và các chính sách khi có thay đổi.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế, Cục Thống kê, Cục Thuế rà roát, nắm bắt số lượng doanh nghiệp, đơn vị kinh tế được thành lập, hoạt động và số lao động thuộc diện đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để yêu cầu người sử dụng lao động và người lao động tham gia theo quy định.

d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại các đơn vị sử dụng lao động để ngăn ngừa, phát hiện các hành vi trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh xây dựng quy trình xử lý các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật nhanh chóng, dứt điểm và hiệu quả; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

e) Phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Y tế, Công an tỉnh kiểm tra, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi giả mạo hồ sơ trục lợi các chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là việc cấp, làm giả, mua bán Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau.

f) Hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương.

2. Bảo hiểm xã hội tỉnh

a) Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách bảo hiểm xã hội đến các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh.

b) Xây dựng và công khai quy trình đóng, nộp, và giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

c) Xây dựng chương trình phối hợp với Cục Thuế để nắm rõ thông tin liên quan đến đơn vị sử dụng lao động, số lao động đang được sử dụng làm cơ sở yêu cầu đơn vị sử dụng lao động tham gia đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

d) Xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong kế hoạch thu bảo hiểm xã hội hàng năm.

e) Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tại các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động và trong các đơn vị nội bộ ngành nhằm kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lạm dụng để trục lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội.

f) Hàng tháng thống kê, lập danh sách đơn vị và số tiền nợ bảo hiểm xã hội chuyển Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để nhắc nhở, đôn đốc thu hoặc tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

g) Thực hiện và chỉ đạo Bảo hiểm xã hội huyện, thị xã giải quyết kịp thời, đúng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội; các trường hợp vướng mắc, vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tham mưu UBND tỉnh xem xét.

h) Chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung phối hợp cụ thể với Công an tỉnh trên cơ sở nguyên tắc, nội dung và phương pháp hoạt động của hai bên nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, chủ động phòng ngừa, tích cực phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm luật trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp.

i) Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng quý về kết quả thu - chi và giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Sở Tư pháp:

Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế có kế hoạch tập trung tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo hiểm xã hội đến các đơn vị có sử dụng lao động, người lao động nói riêng và người dân trên địa bàn tỉnh nói chung.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Hàng quý, cung cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh mới, tình hình hoạt động, giải thể, phá sản, tạm ngưng hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để cập nhật, theo dõi và kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội.

[...]