Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2018 về tăng cường thực hiện quy định về trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu | 08/CT-UBND |
Ngày ban hành | 12/07/2018 |
Ngày có hiệu lực | 12/07/2018 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Thuận |
Người ký | Nguyễn Ngọc Hai |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/CT-UBND |
Bình Thuận, ngày 12 tháng 7 năm 2018 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Ngày 08/8/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và ngày 29/04/2014, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 02/2014/TT-TTCP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP.
Để triển khai tốt các văn bản trên, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước, trách nhiệm của người thực thi công vụ, phát huy vai trò giám sát của cơ quan, tổ chức, đoàn thể và nhân dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần thiết thực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện tổ chức quán triệt, phổ biến, Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/04/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý để nắm rõ và nghiêm túc chấp hành. Đồng thời tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân bằng các hình thức phù hợp để người dân hiểu và thực hiện đúng, nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với các hoạt động quản lý, điều hành của nhà nước, tăng cường sự đối thoại của công dân với cơ quan chức năng, góp phần hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo trong nhân dân, khuyến khích công dân tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
2. Từng cơ quan, đơn vị phải cụ thể hóa việc thực hiện trách nhiệm giải trình trong nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình; hàng năm phải rà soát để điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải bố trí bộ phận chuyên môn, cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện tốt việc tiếp nhận yêu cầu giải trình của cơ quan, tổ chức và công dân theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm giải trình và xử lý trong trường hợp vi phạm quy định về trách nhiệm giải trình.
4. Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu; thu thập, xác minh thông tin tài liệu; thực hiện việc giải trình; công khai việc giải trình; lập và quản lý hồ sơ giải trình phải được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ và Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó lưu ý thực hiện đúng các quy định sau đây:
- Trường hợp nhiều người yêu cầu giải trình về cùng một nội dung (cùng một nội dung có từ 05 người trở lên có yêu cầu giải trình trực tiếp) thì cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn người yêu cầu giải trình cử đại diện để trình bày nội dung yêu cầu. Người đại diện phải là người có yêu cầu giải trình. Việc cử người đại diện phải được lập thành văn bản.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải trình thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 5 của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP, Điều 2 của Thông tư số 02/2014/TT-TTCP và bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định số 90/2013/NĐ-CP, người giải trình phải tiếp nhận để giải trình. Việc tiếp nhận yêu cầu giải trình phải được thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu giải trình. Trường hợp không đủ điều kiện tiếp nhận để giải trình, thì người giải trình phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu giải trình và nêu rõ lý do.
- Người giải trình chỉ tiếp nhận các thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu giải trình. Việc tiếp nhận được lập thành văn bản; các thông tin, tài liệu phải thể hiện rõ nguồn gốc và được đối chiếu với bản chính; trường hợp không có bản chính thì phải ghi rõ trong văn bản tiếp nhận. Các thông tin, tài liệu do cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Thông tin, tài liệu do cá nhân cung cấp phải được người cung cấp ký hoặc điểm chỉ xác nhận. Trong trường hợp tài liệu bị mất trang, mất chữ, cũ nát hoặc mờ không đọc được chính xác nội dung thì người giải trình phải ghi rõ tình trạng của tài liệu đó trong văn bản tiếp nhận. Các thông tin, tài liệu thu thập trong quá trình thực hiện việc giải trình chỉ sử dụng cho việc giải trình.
- Căn cứ quy định của pháp luật và các tài liệu có liên quan, người giải trình ra văn bản giải trình trong thời hạn quy định tại Điều 14 Nghị định số 90/2013/NĐ-CP. Đối với những yêu cầu giải trình trực tiếp và có nội dung đơn giản, người giải trình có thể thực hiện giải trình trực tiếp và lập biên bản thực hiện việc giải trình. Người giải trình có trách nhiệm gửi văn bản giải trình cho người yêu cầu giải trình.
- Người giải trình có trách nhiệm công khai văn bản giải trình theo một trong các hình thức sau đây: Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị thực hiện giải trình; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị thực hiện giải trình.
Trường hợp niêm yết liên tục tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị thực hiện giải trình thì thời gian niêm yết văn bản giải trình ít nhất là 15 ngày làm việc, kể từ ngày niêm yết. Trường hợp thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, người giải trình lựa chọn một trong các phương tiện, bao gồm: báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử. Thời gian thông báo trên báo nói ít nhất là 02 lần; trên báo hình ít nhất là 02 lần phát sóng; trên báo viết ít nhất là 01 số phát hành; trên báo điện tử ít nhất là 10 ngày. Thông báo trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị thực hiện việc giải trình ít nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày đăng thông báo.
5. Chỉ đạo cơ quan thanh tra cùng cấp xây dựng kế hoạch trình thủ trưởng cùng cấp phê duyệt và tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý và của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn theo đúng quy định tại Điều 10 Thông tư số 02/2014/TT-TTCP ngày 29/4/2014 của Thanh tra Chính phủ. Qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện cán bộ, công chức, người đứng đầu cơ quan nhà nước không chấp hành nghiêm quy định về thực hiện trách nhiệm giải trình thì tùy tính chất, mức độ mà kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và các quy định khác có liên quan (kể cả kiến nghị xử lý về Đảng).
6. Các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung của Chỉ thị này. Định kỳ hàng năm (trước ngày 30/11) báo cáo kết quả thực hiện từng nội dung cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) để tổng hợp chung.
7. Giao Thanh tra tỉnh có kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan, đơn vị và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo kết quả hàng năm để Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm giải trình cho các thành viên và nhân dân./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |