Chỉ thị 08/CT-UBND năm 2015 về nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 08/CT-UBND
Ngày ban hành 10/04/2015
Ngày có hiệu lực 10/04/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Cầm Ngọc Minh
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-UBND

Sơn La, ngày 10 tháng 4 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG VÀ XỬ LÝ NỢ XẤU

Thực hiện Nghị quyết số 77/2014/QH13 ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, Nghị quyết số 94/2014/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2014 của HĐND tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2015, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27 tháng 01 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn hiệu quả năm 2015. Các cấp, các ngành đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, đến hết năm 2014, tổng số nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 184 tỷ đồng (nội bảng 56 tỷ đồng, nợ đang theo dõi ngoại bảng 128 tỷ đồng), tỷ lệ nợ xấu 1,07% tổng dư nợ trong và ngoài bảng. Tổng số tiền lãi hệ thống ngân hàng chưa thu được là 189 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến nợ xấu đang cao là do một doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn thua lỗ, năng lực quản trị kinh doanh kém hiệu quả, một số doanh nghiệp không duy trì được hoạt động, một số doanh nghiệp không chấp hành quy định về trả nợ vay.

Để tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trong năm 2015 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành thực hiện tốt một số nội dung sau:

I. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ TỔNG QUÁT

1. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2015 ở mức tăng 10,5% so với năm 2014, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 23%; đảm bảo thanh khoản của tổ chức tín dụng, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm. Năm 2015 định hướng tín dụng tăng khoảng 13 - 15%; ổn định thị trường về tỷ giá, ngoại tệ và kinh doanh vàng. Thực hiện tốt các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ưu tiên tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp, nông thôn.

2. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức 1%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sơn La

a) Chủ động đôn đốc, kiểm tra các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc thực hiện các giải pháp về tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2015 theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27 tháng 01 năm 2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

b) Tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện mở rộng tín dụng đi đôi với bảo đảm an toàn hoạt động, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô. Gắn việc xử lý nợ xấu với việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng, mở rộng hoạt động kinh doanh và phát triển mạng lưới của tổ chức tín dụng.

c) Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng và bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng:

- Tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, các quy định về cơ cấu lại nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thanh tra, giám sát chặt chẽ nợ xấu và chất lượng tín dụng. Giám sát thường xuyên diễn biến hoạt động ngân hàng và từng tổ chức tín dụng để phát hiện, cảnh báo kịp thời các rủi ro, vi phạm pháp luật.

- Tập trung thanh tra, giám sát những lĩnh vực hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tình hình tài chính, các tỷ lệ an toàn hoạt động và công tác quản trị điều hành của tổ chức tín dụng.

- Xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

- Kiểm soát chặt chẽ kết quả kinh doanh, việc tạm ứng, chia cổ tức, phân phối lợi nhuận của tổ chức tín dụng năm 2015.

d) Tăng cường phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để tạo sự nhận thức đúng đắn, đồng thuận trong xã hội, đặc biệt là việc nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu.

2. Đối với tổ chức tín dụng

a) Thực hiện tốt các giải pháp mở rộng tín dụng có hiệu quả để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh:

- Tăng trưởng tín dụng đạt và vượt mức kế hoạch được giao.

- Ưu tiên tập trung vốn cho vay các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

- Thực hiện tốt các chương trình tín dụng: Cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ; cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay các đối tượng chính sách.

- Thực hiện tốt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp.

- Tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường và kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp có hiệu quả.

b) Thực hiện nghiêm túc và có sự đồng thuận cao về lãi suất huy động, cho vay; chấp hành các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các quy định khác của pháp luật về mua, bán ngoại tệ, niêm yết tỷ giá, quản lý ngoại hối, kinh doanh vàng.

c) Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, Thông tư số 09/2014/TT-NHNN và Thông tư số 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Nghiêm cấm sử dụng biện pháp che giấu nợ xấu, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng và kết quả kinh doanh. Nghiêm cấm lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng.

d) Thực hiện các biện pháp kiểm soát nợ xấu phát sinh mới, nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro; thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi, kiểm tra khách hàng vay, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp; rà soát, đánh giá lại các khoản nợ hiện đang được cơ cấu lại và kiên quyết chuyển sang nợ xấu khi đủ điều kiện; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy mô, cơ cấu nguồn vốn và năng lực quản trị rủi ro; kiểm soát và hạn chế rủi ro tập trung tín dụng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ và trình độ, đạo đức cán bộ của tổ chức tín dụng.

đ) Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu như đôn đốc thu hồi nợ, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, khởi kiện khách hàng vay, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro…; có biện pháp hỗ trợ phù hợp cho khách hàng khắc phục khó khăn và phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục hỗ trợ vốn, giảm lãi suất các khoản cho vay cũ, miễn, giảm lãi, cơ cấu lại nợ theo đúng quy định của pháp luật.

[...]