Chỉ thị 08/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/CT-TTg
Ngày ban hành 23/03/2023
Ngày có hiệu lực 23/03/2023
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 3 năm 2023

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM ĐẨY MẠNH PHÂN BỔ, GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG, 03 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2023, THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Năm 2022, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt được một số kết quả tích cực, tổng số vốn giải ngân năm 2022 cao hơn năm 2021 khoảng 103 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 23%) và đạt gần 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiến độ nhiều công trình, dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, các tuyến cao tốc, các dự án giao thông, liên kết vùng,... được đẩy nhanh đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động...

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả giải ngân cao, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 08 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2022 đạt 100% kế hoạch; đồng thời nghiêm khắc phê bình 07 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân năm 2022 dưới 50% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.

Những tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu: công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện; chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ nên đã gặp vướng mắc trong triển khai; phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung; một số Ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt; chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm... Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công (từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng) ở 07 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công) còn bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn...mỗi một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến các khâu sau và toàn bộ dự án.

Thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, nhưng thách thức nhiều hơn, nhất là áp lực giá vật liệu xây dựng làm tăng chi phí đầu vào của hoạt động xây dựng, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng 23% so với năm 2022, khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ và chất lượng cao.

Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn... Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt kết quả cao nhất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

1. Quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, vai trò, ý nghĩa của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội; xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

2. Bám sát, nhận diện và đánh giá đúng tình hình, tăng cường năng lực dự báo, phản ứng chính sách, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án. Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.

3. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư.

II. MỤC TIÊU PHẤN ĐẤU

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và năm 2023

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan

- Tổng hợp các dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định tại Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội; đề xuất phương án xử lý đối với số vốn ngân sách trung ương của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nhưng không thể giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án theo quy định; trong đó ưu tiên điều chỉnh cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

- Hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trong tháng 4 năm 2023.

- Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện điều hòa linh hoạt vốn giữa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bảo đảm giải ngân toàn bộ số vốn của Chương trình trong năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2023 của Chính phủ. Trường hợp vượt thẩm quyền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo đúng quy định.

- Theo dõi tiến độ thực hiện giải ngân của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành linh hoạt, thích ứng với điều kiện thực tế nhằm hoàn thành các mục tiêu giải ngân vốn năm 2023.

- Đôn đốc, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương xây dựng, thẩm định, hoàn thiện các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

- Hướng dẫn, xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như công tác quy hoạch, đấu thầu và công tác kế hoạch, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn các dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư...

b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, như nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương để đầu tư dự án qua địa bàn 2 địa phương, quy trình, điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

- Kịp thời tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình thủ tục đàm phán, ký kết Hiệp định, rút vốn, giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài triển khai trong năm 2023 theo từng nhóm nhà tài trợ.

- Theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, kịp thời nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp điều hành giá, các chính sách về thuế, phí và các chính sách khác, góp phần ổn định giá cả, giảm chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

- Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước kịp thời thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán; chỉ đạo các đơn vị chức năng bảo đảm nguồn thanh toán cho các dự án; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý các vướng mắc về thanh, quyết toán, đàm phán, ký kết hiệp định, rút vốn từ nhà tài trợ.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan

[...]