Chỉ thị 08/CT-BGTVT năm 2008 về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 08/CT-BGTVT
Ngày ban hành 18/08/2008
Ngày có hiệu lực 18/08/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------

Số: 08/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

Thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Chương trình hành động của Bộ ban hành kèm theo Quyết định 350/QĐ-BGTVT ngày 09/2/2006, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ vẫn còn sai sót, tồn tại:

- Có đơn vị, cá nhân chưa thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ đạo của Bộ trong việc chấp hành, chế độ chính sách, trong đó có việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra của cấp có thẩm quyền; việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện nghiêm; công tác công khai, minh bạch chưa được thực hiện triệt để;

- Mặc dù đã được đôn đốc, nhắc nhở, song còn một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chưa triển khai và làm hết trách nhiệm theo phân công tại Chương trình hành động của Bộ Giao thông vận tải thực hiện luật phòng, chống tham nhũng (kế hoạch triển khai chưa cụ thể, chưa chủ động có biện pháp phù hợp để triển khai các quy định của nhà nước quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành Luật phòng chống tham nhũng…);

- Còn có lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tiêu cực, tham nhũng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (văn bản số 7163/VPCP-V.I ngày 10/12/2007; văn bản số 213/VPCP-V.I ngày 09/01/2008; văn bản số 826/VPCP-V.I ngày 04/02/2008); đồng thời để tiếp tục, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành giao thông vận tải có hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ thị:

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ:

a. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu và triển khai thực hiện tốt các văn bản của các cấp về phòng, chống tham nhũng (có phụ lục kèm theo).

b. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Bộ thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành kèm theo Quyết định 350/QĐ-BGTVT ngày 09/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong đó cần đặc biệt chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, tăng cường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

c. Gương mẫu, quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; có chương trình, kế hoạch cụ thể về phòng, chống tham nhũng và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị mình; xử lý kịp thời, kiên quyết các hành vi tham nhũng, không để vụ việc tham nhũng xảy ra mà không được xem xét, giải quyết.

d. Thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật

đ. Tiếp nhận, xử lý kịp thời tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc bao che, không xử lý hoặc xử lý không cương quyết các tố cáo về tham nhũng.

e. Thông tin, báo cáo kịp thời về Bộ (qua Thanh tra Bộ) tình hình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra tại đơn vị và những vụ việc vi phạm do các cơ quan chức năng phát hiện để kịp thời có biện pháp phối hợp, xử lý theo quy định.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, các Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ và các Cục quản lý chuyên ngành thường xuyên rà soát các thể chế, chính sách, quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về giao thông vận tải để trình cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế; các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ tiến hành rà soát các quy định do mình ban hành và các quy định liên quan của cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

3. Đối với các cơ quan tham mưu giúp việc Bộ trưởng

a. Thanh tra Bộ:

- Thực hiện tốt trách nhiệm là cơ quan thường trực theo Quy chế phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng ban hành kèm theo Quyết định số 1379/QĐ-GTVT ngày 19/5/2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Tăng cường lực lượng, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm khi thực thi nhiệm vụ, công vụ; tăng cường chỉ đạo xử lý sau thanh tra; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

- Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình hành động của Bộ về thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; việc kê khai tài sản, thu nhập và xây dựng quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ.

b. Văn phòng Bộ:

- Phối hợp với Thanh tra Bộ thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật.

- Thực hiện tốt Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ GTVT, đảm bảo các thông tin cung cấp cho báo chí khách quan, chính xác và đúng quy định của pháp luật.

- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Bộ Giao thông vận tải (Quyết định số 689/QĐ-BGTVT ngày 19/3/2008).

c. Vụ Tổ chức cán bộ:

- Tiếp tục hướng dẫn việc thực hiện công khai minh bạch tài sản thu nhập (Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 và Thông tư 2442/2007/TT-TTCP ngày 13/11/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 37/2007/NĐ-CP của Chính phủ về Minh bạch tài sản, thu nhập).

- Khẩn trương hoàn thiện Quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức, viên chức làm việc trong ngành GTVT trình Bộ trưởng ban hành.

[...]