Chỉ thị 08/2004/CT-TTg thi hành Luật Xây dựng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/2004/CT-TTg
Ngày ban hành 08/03/2004
Ngày có hiệu lực 02/04/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 08/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT XÂY DỰNG

Luật Xây dựng được Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ tư, thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chu đáo công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Xây dựng nhằm nhanh chóng đưa Luật Xây dựng vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biến tích cực trong quản lý hoạt động xây dựng và đầu tư xây dựng, đưa công tác quản lý hoạt động xây dựng vào trật tự, kỷ cương. Trước mắt cần tập trung thực hiện một số công việc sau đây:

1. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật Xây dựng:

Từ nay đến khi Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành cần tập trung làm tốt các công việc trọng tâm sau đây:

a) Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Xây dựng để ban hành đồng bộ:

- Bộ Xây dựng có trách nhiệm soạn thảo các Nghị định, các văn bản liên quan để trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành kèm theo thẩm quyền kịp thời khi Luật có hiệu lực; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động xây dựng, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với Luật Xây dựng;

- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu soạn thảo quy định về việc xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh... thuộc bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản của ngành mình phù hợp với Luật Xây dựng;

b) Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:

- Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức phổ biến Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật liên quan cho cán bộ quản lý về xây dựng tại các Bộ, ngành, địa phương; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến mọi đối tượng nhằm làm cho mọi người hiểu được những nội dung của Luật, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, trách nhiệm quản lý hoạt động xây dựng của các cấp, các ngành; đề cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Luật trong nhân dân;

- Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Tư pháp tổ chức tuyên truyền Luật Xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng;

- Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tuyên truyên, phổ biến Luật Xây dựng tại địa phương để cho mọi người dân biết và thực hiện Luật Xây dựng.

c) Kiện toàn tổ chức bộ máy để thực hiện Luật Xây dựng:

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện tổ chức để giúp Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tăng cường thực hiện quản lý hoạt động xây dựng trên địa bàn theo phân cấp;

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp lại tổ chức quản lý xây dựng đảm bảo có đủ người có đủ điều kiện năng lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương theo quy định của Luật Xây dựng;

- Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực quản lý về xây dựng cho cán bộ, những công chức trực tiếp làm công tác quản lý xây dựng, đặc biệt đối với cấp phường, xã;

- Các doanh nghiệp hoạt động xây dựng có trách nhiệm tăng cường đầu tư về người, thiết bị, nâng cao năng lực hoạt động xây dựng để thực hiện việc phân cấp năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng.

2. Tổ chức thực hiện tốt các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng để tiến tới thực hiện Luật Xây dựng:

Việc tổ chức thi hành Luật Xây dựng phải được triển khai đồng bộ và toàn diện. Từ nay đến khi Luật Xây dựng có hiệu lực phải thực hiện nghiêm chỉnh Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 và các quy định hiện hành khác có liên quan; đồng thời làm tốt một số công việc chính sau đây:

a) Hoàn thiện công tác lập, xét duyệt, quản lý quy hoạch xây dựng, khắc phục tình trạng quy hoạch không đi vào cuộc sống, tình trạng quy hoạch "treo":

- Bộ Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương thực hiện quy trình lập quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn, đảm bảo đơn giản về thủ tục, dễ thực hiện, có hiệu quả; hướng dẫn công tác thiết kế đô thị nhằm quản lý kiến trúc đô thị phục vụ cho việc cấp Giấy phép xây dựng và quản lý đầu tư xây dựng; cải tiến quy trình cấp Giấy phép xây dựng đơn giản, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi xin cấp Giấy phép xây dựng;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát quy hoạch xây dựng đô thị, các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn do mình quản lý để kịp thời điều chỉnh quy hoạch xây dựng phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời có kế hoạch cụ thể về thời gian, nguồn vốn để lập quy hoạch xây dựng các đô thị, các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch. Trong năm 2004 và 2005, về cơ bản tại các đô thị, các điểm dân cư nông thôn phải có quy hoạch xây dựng được duyệt, đảm bảo quy hoạch phải đi trước một bước trong các hoạt động xây dựng. Quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải được công khai, thông tin rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện và giám sát thực hiện theo quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai Giấy phép xây dựng, xây dựng không có giấy phép, xây dựng trái giấy phép, xây dựng lấn chiếm. Chấm dứt tình trạng phạt cho tồn tại, lập lại trật tự kỷ cương trong việc cấp Giấy phép xây dựng;

b) Khắc phục yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng công trình và chất lượng công trình xây dựng:

- Chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, nợ đọng kéo dài do các Bộ, ngành, địa phương quản lý đối với nguồn vốn nhà nước; mọi dự án đầu tư xây dựng công trình xây dựng phải đảm bảo theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo có hiệu quả;

- Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về phân cấp phê duyệt, quản lý dự án đầu tư xây dựng, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng và quản lý dự án đầu tư xây dựng, có biện pháp ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, gây lãng phí thất thoát trong đầu tư xây dựng công trình làm dự án đầu tư xây dựng không có hiệu quả;

- Có biện pháp ngăn ngừa tình trạng tiêu cực trong đấu thầu, bỏ thầu thấp làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, giảm hiệu quả đầu tư của dự án;

- Đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực của tổ chức tư vấn xây dựng, các Ban quản lý dự án, các doanh nghiệp thi công xây dựng đảm bảo có đủ điều kiện năng lực theo quy định, lập lại trật tự trong hoạt động xây dựng. Từng bước chuyên nghiệp hóa tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng đặc biệt là tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng;

[...]
6
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ