Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2013 tổ chức đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 19/12/2013
Ngày có hiệu lực 19/12/2013
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Nguyễn Văn Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Kon Tum, ngày 19 tháng 12 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC ĐÓN TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP NGỌ 2014

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; Căn cứ các Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch năm 2013 và triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014, trong đó có việc bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả thị trường và chuẩn bị tốt các điều kiện để mọi người dân được đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp trực thuộc trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về những giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách năm 2013; đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả một số giải pháp bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

I. Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu trước, trong, sau Tết và bình ổn giá cả, thị trường.

1. Các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

a) Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh nhất là thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, thành lập và giải thể doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên, tiếp cận vốn, chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, tăng hàng hóa cung ứng ra thị trường; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp trên địa bàn chủ động tính toán kế hoạch trực tết, kế hoạch sản xuất, kinh doanh để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán;

b) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, thực hiện nghiêm các quy định về điều chỉnh giá, đăng ký, kê khai, niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết; có biện pháp bảo đảm đủ nguồn hàng nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, đến trật tự, an toàn xã hội trong những ngày cuối năm và dịp Tết Nguyên đán;

c) Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Công Thương tăng cường tuyên truyền để nhân dân biết và tham gia mua hàng bình ổn giá, tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn huyện;

d) Tập trung khắc phục hậu quả bão lũ; hỗ trợ kịp thời để nhân dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, không để dân đói, rét và có biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra;

đ) Tập trung thực hiện các biện pháp đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, tăng cường quản lý chi ngân sách theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhất là trong việc tổ chức hội nghị, tổng kết cuối năm; bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ an sinh xã hội.

2. Sở Công Thương:

- Phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Chỉ thị số 24/CT-BCT ngày 06/11/2013 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2013 và Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.

- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cấp hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, để chủ động có biện pháp điều hòa cung cầu, không để thiếu hàng, sốt giá trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện tốt Chương trình dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014 đã được UBND tỉnh phê duyệt; giám sát chặt chẽ việc cung ứng hàng hóa và bán giá bình ổn cho người dân, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng bị thiên tai với giá cả hợp lý và chất lượng tốt;

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, ưu tiên tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong nước và trong tỉnh.

- Phối hợp với các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 127 tỉnh tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá nhằm thu lợi bất chính theo đúng quy định của pháp luật;

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng, đảm bảo đủ điện phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chú trọng công tác phòng chống cháy nổ do chập điện tại các nơi công cộng, khu dân cư.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá trên địa bàn theo quy định của pháp luật và thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, nhất là giá các mặt hàng tiêu dùng và dịch vụ thiết yếu, không để tăng giá tùy tiện trước, trong và sau Tết làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

- Phối hợp với Cục thuế tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh đẩy mạnh các biện pháp kiểm tra, thanh tra chống thất thu, gian lận thuế; tập trung quản lý chi ngân sách Nhà nước đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, tiết kiệm; rà soát, cắt giảm hoặc tạm ngừng các khoản chi chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

4. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh các hoạt động tín dụng, chuẩn bị đủ lượng tiền, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và mua sắm của nhân dân. Phối hợp với Công an tỉnh, cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm giữ, kinh doanh ngoại tệ, vàng trái pháp luật.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố:

- Kiểm tra hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống; chỉ đạo chuẩn bị đủ giống, vật tư cần thiết, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lưu thông hàng hóa nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả ... đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

- Có biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm; phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng một cách hiệu quả, kịp thời để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm; đồng thời xây dựng phương án và triển khai công tác kiểm tra, truy quét, kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng; đảm bảo công tác trực phòng cháy chữa cháy rừng, cảnh báo và xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Xây dựng Kế hoạch triển khai "Tết trồng cây nhớ Bác".

6. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh động viên các doanh nghiệp chủ động huy động nguồn vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán; đồng thời, vận động và đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc tham gia bình ổn thị trường, giá cả và bảo đảm an sinh xã hội.

II. Bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết kịp thời chế độ cho các đối tượng chính sách, bảo vệ sức khỏe, chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân.

1. Thủ trưởng các Sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố: Chủ động xây dựng kế hoạch đón Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014 vui tươi, đoàn kết, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn; tổ chức thăm hỏi, chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các lực lượng vũ trang, cán bộ, nhân viên, công nhân và những hộ gia đình nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn ... đảm bảo mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết; cử cán bộ tăng cường công tác nắm tình hình các hộ nghèo để đề nghị UBND các huyện, thành phố cứu đói, cứu rét cho nhân dân trên địa bàn, cùng với xã xây dựng kế hoạch trực, gác trong thời gian trước và trong dịp Tết Nguyên đán; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng tham gia hỗ trợ cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thiên tai bão lũ.

[...]