Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2021 về tăng cường thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 07/CT-UBND
Ngày ban hành 28/04/2021
Ngày có hiệu lực 28/04/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Đầu Thanh Tùng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 28 tháng 4 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

Công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động nhằm giảm thiểu tai nạn lao động nghiêm trọng chết người và bị thương nặng từ nhiều người trở lên. Trong những năm qua, kể từ khi Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 có hiệu lực đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành,đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả, nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) từng bước được nâng cao, điều kiện làm việc của người lao động không ngừng được cải thiện, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tai nạn lao động vẫn xảy ra ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, như lĩnh vực: xây lắp (đặc biệt là những công trình xây dựng cao tầng); khai thác đá làm vật liệu xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; cơ khí; điện…Nguyên nhân chủ yếu là do:Các doanh nghiệp,cơ sở sản xuất kinh doanh, chủ đầu tư, nhà thầu chưa thực sự chú trọng công tác AT-VSLĐ; việc thực hiện pháp luật an toàn-vệ sinh lao động, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về AT-VSLĐ chưa nghiêm; người sử dụng lao động thực hiện không tốt hoặc không thực hiện các quy định về AT-VSLĐ cho người lao động theo quy định của pháp luật; người lao động thiếu hiểu biết về các nguy cơ gây mất AT-VSLĐ, chủ quan trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động…; công tác hướng dẫn, kiểm tra, tư vấn, thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm về AT-VSLĐ của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, thiếu hiệu quả.Để khẩn trương khắc phục tình trạng nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện công tác AT-VSLĐ, đảm bảo an toàn cho người lao động và thiết bị vận hành.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Giám đốc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, tập huấn, huấn luyện, phổ biến kiến thức, pháp luật về AT-VSLĐ nhằm nâng cao nhận thức, biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động và người lao động, đặc biệt là những công việc nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc, độc hại; công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ; công việc trong sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về AT-VSLĐ.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc chấp hành quy định về AT-VSLĐ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, đặc biệt các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng như: Xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất chế biến gỗ... Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành các quy định của pháp luật về AT-VSLĐ; công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác AT-VSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; xem xét kiến nghị khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết người.

- Phối hợp với các cơ quan thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, Công an tỉnh điều tra kịp thời, xác định nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ tai nạn lao động theo đúng quy định pháp luật; đặc biệt là những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết người để kịp thời có biện pháp khắc phục những nguyên nhân nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn lao động tái diễn và có cơ sở giải quyết các chế độ, chính sách cho thân nhân của người bị nạn.

2. Sở Xây dựng

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các tiêu chuẩn, quy phạm về an toàn lao động trong xây dựng các công trình nhằm nâng cao nhận thức của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu xây dựng.

- Thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng. Kiểm tra an toàn máy, thiết bị xây dựng, trong đó tập trung đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo danh mục do ngành xây dựng quản lý (cẩu tháp, vận thăng…), đặc biệt là những công trình xây dựng gần khu dân cư, nhiều người đi lại. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các công trình trọng điểm, các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng.

- Xử lý nghiêm các chủ thể có liên quan vi phạm các quy định về AT-VSLĐ trong thi công xây dựng công trình; cương quyết dừng thi công, dừng sử dụng máy, thiết bị khi phát hiện hành vi vi phạm không đảm bảo an toàn lao động.

3. Sở Công Thương

- Chủ trì kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy phạm, các quy định về an toàn lao động tại các công trường, khu vực khai thác khoáng sản thuộc lĩnh vực quản lý.

- Tham gia, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát công tác AT-VSLĐ.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm về AT-VSLĐ trong việc sử dụng, bảo quản, kinh doanh và vận chuyển hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng…

4. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt công tác vệ sinh lao động, tập huấn sơ cấp cứu.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người lao động như: Khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, phòng ngừa Covid-19 tại nơi làm việc.

- Kiểm tra, giám sát việc quan trắc môi trường lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

- Tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh điều tra kịp thời các vụ tai nạn lao động xảy ra, xác định nguyên nhân để có biện pháp ngăn ngừa tai lao động tái diễn.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, chủ trì trong việc đánh giá tác động môi trường DTM, phải thường xuyên kiểm tra giám sát các cơ sở khai thác thực hiện đúng theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt và các biện pháp đảm bảo AT-VSLĐ đã cam kết trong quá trình tổ chức khai thác.

- Kiểm tra, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những tổ chức khai thác khoáng sản không bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm Giám đốc điều hành mỏ không phù hợp với quy định tại Điều 62 Luật Khoáng sản năm 2010.

- Yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải xây dựng và ban hành nội quy lao động của mỏ theo quy định của pháp luật về lao động. Các quy định về AT- VSLĐ phù hợp với các tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn về an toàn lao động và vệ sinh lao động do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; thực hiện báo cáo công tác bảo vệ môi trường hằng năm gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BTNMT ngày 31/12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6. Sở Giao thông Vận tải

Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện công tác AT-VSLĐ tại các công trình xây dựng cầu đường, công trình giao thông trọng điểm thuộc thẩm quyền quản lý đối với chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, nhà thầu xây dựng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về AT-VSLĐ trên công trường, tạm đình chỉ thi công đến khi nào khắc phục đảm bảo an toàn mới được thi công lại.

[...]