Chỉ thị 07/CT-UBND điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2013 do tỉnh Tiền Giang ban hành
Số hiệu | 07/CT-UBND |
Ngày ban hành | 10/06/2013 |
Ngày có hiệu lực | 10/06/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Người ký | Dương Minh Điều |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/CT-UBND |
Tiền Giang, ngày 10 tháng 6 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2013
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ sau:
1. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế và dự toán thu ngân sách nhà nước:
a) Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Chỉ đạo, điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Chỉ đạo, định hướng các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án hiệu quả.
- Triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng khi chính thức ban hành. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp; trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý nợ xấu. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tình hình nợ xấu của các doanh nghiệp, dự án trên địa bàn để chủ động có biện pháp xử lý kịp thời.
b) Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Đẩy mạnh triển khai các giải pháp giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm; đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, thực hiện những biện pháp quyết liệt ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, hàng giả. Rà soát và gia tăng các chế tài xử phạt đối với hành vi gian lận thương mại.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương:
- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với ngành hàng có lợi thế về xuất khẩu và có khả năng cạnh tranh.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về doanh nghiệp; tổ chức hội thảo chuyên đề về phát triển doanh nghiệp, giải quyết nhanh và thỏa đáng các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; thực hiện các chính sách, giải pháp trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
d) Cục Thuế: thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi về thuế, miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và khoản thu ngân sách nhà nước cho một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các văn bản của Bộ Tài chính.
2. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế:
Cục Thuế, các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
a) Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ quy định, công khai, minh bạch.
b) Triển khai Chiến dịch thu ngân sách trong quý 3/2013. Rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, phấn đấu thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng thu để bù đắp các phần giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thời hạn nộp thuế.
c) Đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra thuế, kết hợp với thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về giá. Kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Thực hiện đầy đủ, thu kịp thời các khoản thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác.
d) Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng, chống gian lận thương mại, chống buôn lậu.
3. Tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả:
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:
a) Căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, các chính sách, chế độ, định mức chi tiêu do nhà nước quy định và dự toán năm để tổ chức chi tiêu ngân sách tiết kiệm, đúng mục đích, kịp tiến độ nhất là các chế độ, chính sách mới.
b) Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA.
c) Rà soát, điều chỉnh một số khoản phí, lệ phí để lại cho đơn vị theo hướng đảm bảo nguồn kinh phí để các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao; tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả, tránh tồn kinh phí lớn tại đơn vị.
d) Rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi thường xuyên:
- Thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của những tháng cuối năm (không bao gồm các khoản: chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi cho con người theo chế độ; tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo dự toán đầu năm và tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm đang giữ lại ở các cấp ngân sách) theo công văn số 6684/BTC-NSNN ngày 27/5/2013 của Bộ Tài chính và công văn số 2374/UBND-TM ngày 04/6/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thật sự cấp thiết, các khoản chi mua sắm trang thiết bị, xe ô tô; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, lễ khánh thành, công bố quyết định; tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã phân bổ cho các nhiệm vụ chi tổ chức lễ hội, tiếp khách, hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...