THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 02
năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG QUỐC GIA
Sau hơn 30 năm đổi mới, dưới sự lãnh
đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính
trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng
kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình. Quy
mô, tiềm lực nền kinh tế được tăng cường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng,
an sinh xã hội được bảo đảm, thu nhập, đời sống người dân được nâng lên.
Trong quá trình phát triển đất nước,
năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền
kinh tế và của từng doanh nghiệp. Nâng cao năng suất lao động là vấn đề quan trọng
để phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam
đã có những cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, năng suất lao động chưa tương xứng với
kỳ vọng. Mức năng suất lao động theo sức mua tương đương của
Việt Nam còn khiêm tốn so với một số nước trong khu vực ASEAN.
Để khắc phục những
hạn chế nêu trên, thực hiện thành công Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08 tháng
11 năm 2016 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn
2016-2020, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Hội nghị lần thứ
tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn
nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng,
năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức
năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các định
hướng lớn về cải cách để thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam: tổ chức
mạng lưới và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy nhanh
chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nhất là
từ lao động có giá trị gia tăng thấp sang có giá trị gia tăng cao hơn; cải cách
khu vực tài chính ngân hàng, ưu tiên dòng vốn vào các lĩnh vực có năng suất cao
hơn; cải cách mạnh mẽ hơn nữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực
kinh tế tư nhân, đặc biệt nâng cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tiếp tục
thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc; tiếp tục hội nhập
kinh tế quốc tế sâu rộng. Trong đó tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải
pháp cụ thể sau đây:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu
tư
a) Xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện Phong trào “Năng suất lao động quốc gia”; chọn một số lĩnh vực, một số
địa phương thực hiện thí điểm Chương trình
thúc đẩy tăng năng suất lao động, từ đó nhân rộng ra toàn bộ nền kinh tế.
b) Xây dựng Chiến lược quốc gia phát
triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số,
doanh nghiệp công nghệ cao thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, trình
Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.
c) Xây dựng Chiến lược thu hút vốn đầu
tư nước ngoài hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động quốc gia, trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong tháng 9 năm 2020.
d) Xây dựng chiến lược khuyến khích,
hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường khu vực và thế giới,
trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020.
đ) Chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Quyết định
số 999/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.
2. Bộ Khoa học và
Công nghệ
a) Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch tổng
thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 10 năm 2020.
b) Xây dựng Chương trình quốc gia về
hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,
hàng hóa giai đoạn 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong
tháng 6 năm 2020.
c) Nghiên cứu, xây dựng đề án thu hút
nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo,
nhất là từ doanh nghiệp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong
tháng 8 năm 2020.
d) Khẩn trương triển khai các dự án
năng suất của Tổ chức năng suất châu Á (APO), nhất là dự án chứng nhận chuyên
gia năng suất, tham gia các dự án trung tâm xuất sắc của APO; xây dựng và triển
khai thực hiện Dự án nghiên cứu thúc đẩy năng suất trong
quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.
3. Bộ Công Thương
a) Rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện thể
chế về thương mại điện tử; tập trung phát triển sản xuất sản phẩm có giá trị
gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn, sử dụng công nghệ cao, tự động hóa, giảm dần
các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, khoáng sản và lao động giản đơn.
b) Xây dựng các giải pháp tăng năng
suất lao động ngành công nghiệp và thương mại, tham gia sâu hơn và nâng cấp các
khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị toàn
cầu, trong đó tập trung vào ngành chế biến, chế tạo nhằm chuyển dịch lao động từ
nông nghiệp sang công nghiệp có giá trị cao; chuyển dịch trong nội bộ ngành
công nghiệp từ sản xuất dựa vào lao động sang dựa vào công nghệ, tập trung vào
hàng hóa có giá trị gia tăng cao.
c) Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai
Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020,
tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số
598/QĐ-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2018. Trong đó tập trung thực hiện các giải pháp
cải thiện năng lực canh tranh công nghiệp và thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh
tranh công nghiệp với các nước ASEAN-4; tỷ trọng công nghiệp công nghệ cao và
vai trò của khu vực tư nhân trong công nghiệp chế biến chế tạo được nâng lên.
d) Xây dựng Chương trình nâng cao
năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp chế tạo đến năm
2030, trình Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm 2020.
4. Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
a) Xây dựng chính sách cơ cấu lại
ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
vật nuôi phù hợp thực tế, gắn với thị trường và thích nghi biến đổi khí hậu.
b) Đẩy mạnh công nghiệp hóa hoạt động
sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
c) Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học,
nhất là công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp.
5. Bộ Giáo dục và
Đào tạo
a) Khẩn trương hoàn thiện, trình ban
hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm
2019 của Ban Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 8
khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
b) Rà soát, nghiên cứu hoàn thiện
chính sách phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập phù hợp với xu thế chung
của thế giới, ưu tiên đầu tư phát triển đào tạo một số ngành, nghề quan trọng,
nhất là đối với những ngành, nghề có tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế -
xã hội, đến hoạch định chính sách phát triển đất nước.
c) Nghiên cứu, sớm triển khai phát
triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao;
xác định các tiêu chí và từng bước xây dựng hệ thống giáo dục mở.
d) Khẩn trương xây dựng quy hoạch, sắp
xếp hệ thống giáo dục gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao
hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục,
gắn kết chặt chẽ nghiên cứu với đào tạo, phục vụ sản xuất, kinh doanh và hợp
tác quốc tế.
6. Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội
a) Khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được
giao tại Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21
tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền
lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động
trong doanh nghiệp.
b) Hoàn thiện chính sách khuyến khích
doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục chương trình,
phương pháp đào tạo, đánh giá giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với doanh nghiệp,
đơn vị sử dụng lao động và việc làm bền vững; đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại người
lao động và đào tạo lao động kỹ thuật chất lượng cao đủ năng lực tham gia nền sản
xuất thông minh, kinh doanh dựa trên công nghệ hiện đại.
c) Nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ việc nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giới thiệu
việc làm; tập trung thực hiện hiệu quả dự báo, thông tin thị trường lao động, kết
nối cung - cầu lao động; nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
7. Bộ Thông tin và
Truyền thông
a) Đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế
về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử; đôn đốc khẩn trương hoàn thành các
cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai theo Quyết định số 714/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục cơ sở dữ
liệu quốc gia cần ưu tiên triển; thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng phục
vụ phát triển Chính phủ điện tử.
b) Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia để
tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, thúc đẩy chuyển
đổi số toàn diện các hoạt động của doanh nghiệp, các ngành trọng điểm, các cơ
quan nhà nước và người dân và phát triển các yếu tố nền tảng tạo điều kiện cho
chuyển đổi số quốc gia.
c) Kết nối các doanh nghiệp ICT với
doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để xây dựng, áp dụng các công nghệ
mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng năng suất lao động.
d) Chỉ đạo thông tin, tuyên truyền để
nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân
trong vấn đề nâng cao năng suất lao động.
8. Bộ Tài chính
a) Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện
các chính sách cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo nhiệm vụ được phân công tại
Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về ban hành
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết số 05/NQ-TW và
Nghị quyết số 24/2016/QH14 nêu trên.
b) Đẩy mạnh việc hoàn thiện khuôn khổ
về thể chế tài chính - ngân sách nhà nước để tận dụng vị thế của Việt Nam trong
thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo ra nhằm
thu hút hiệu quả nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy nâng cao năng suất
lao động, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế.
c) Tích cực thực hiện cơ cấu lại thị
trường tài chính theo Nghị quyết số 05/NQ-TW nêu trên.
d) Hoàn thiện khung pháp lý điều tiết
hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính để tăng cường điều tiết vĩ
mô của Nhà nước và thực hiện giám sát hiệu quả các hoạt động trên thị trường;
thúc đẩy sự phát triển của hệ thống các thị trường tài chính theo chiều sâu
trên cơ sở đa dạng hóa các định chế tài chính, các hàng hóa trên thị trường tài
chính.
đ) Thực hiện điều chỉnh và xây dựng
các cơ chế, chính sách tài chính phù hợp với các quy định và cam kết trong
khuôn khổ đa biên, khu vực và song phương cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của
Việt Nam; chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nhất quán
trên cơ sở cam kết về mức độ và lộ trình đã đưa ra.
e) Thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu
của Việt Nam theo lộ trình cam kết tại các FTA đã ký kết: ASEAN - Trung Quốc
(2020); ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Ôx-trây-li-a - Niu Di-Lân (2022),
ASEAN - Ấn Độ (2024), ASEAN - Nhật Bản (2025), Việt Nam - Nhật Bản (2026), Việt
Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (2027), Việt Nam - Chilê (2029), Việt Nam - Hàn
Quốc (2029) và CPTPP). Chuẩn bị lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam
trong các FTA đã kết thúc đàm phán, đã ký kết chưa có hiệu lực và đang chuẩn bị
thực thi.
9. Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam
Tiếp tục rà soát, đánh giá triển khai
các giải pháp tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là
các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, hướng dòng vốn chảy vào
lĩnh vực có năng suất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng
của doanh nghiệp và người dân.
10. Bộ Nội vụ
a) Khẩn trương triển khai thực hiện cải
cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ
trang (khu vực công) theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 107/NQ-CP
ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ
thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung
ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức,
viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách
thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
c) Chỉ đạo đẩy nhanh việc đào tạo lại,
nâng cao kỹ năng của đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động tương thích, đủ
năng lực vận hành chính quyền điện tử.
11. Ủy ban Quản lý
vốn nhà nước tại doanh nghiệp
a) Đẩy nhanh việc sắp xếp, cơ cấu lại
các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban và các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty
Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước phù hợp với năng lực quản trị, điều hành,
nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh ở một số ngành, lĩnh vực có
tính dẫn dắt, phát huy lợi thế so sánh.
b) Nghiên cứu, thực hiện Đề án mỗi tập
đoàn, tổng công ty nhà nước là một trung tâm đổi mới sáng tạo.
c) Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ
sung cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh
doanh của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp
phải theo chuẩn mực hiện đại.
12. Đề nghị Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam
a) Chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động
phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền, nâng cao
nhận thức cho đoàn viên và người lao động về lợi ích, trách nhiệm tham gia nâng
cao năng suất lao động; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào
thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong khu vực doanh nghiệp, “Tham mưu
giỏi, phục vụ tốt” trong khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp; phát huy vai
trò, trí tuệ của đoàn viên công đoàn, phát huy sáng kiến, sáng tạo, cải tiến
quy trình sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật - công nghệ góp phần
nâng cao năng suất lao động. Tập trung triển khai Chương trình “Công đoàn Việt
Nam đồng hành cùng với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát
triển bền vững đất nước giai đoạn 2019-2023”.
b) Chủ động tham gia với Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội xây dựng các văn bản quy định chi tiết Bộ luật lao động
năm 2019 và tổ chức thực hiện các chính sách.
13. Đề nghị Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp
a) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Nam chủ trì phát động và triển khai phong trào năng suất quốc gia trong cộng đồng
doanh nghiệp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao năng suất thông qua việc
nâng cao trình độ quản trị, chuyển đổi số, chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới
công nghệ, nâng cấp trong chuỗi giá trị...
b) Các hiệp hội doanh nghiệp tích cực
hưởng ứng phong trào năng suất quốc gia đối với các doanh nghiệp, tiếp tục phát
huy vai trò định hướng hỗ trợ doanh nghiệp trong cải thiện năng suất lao động.
14. Đề nghị Liên
minh Hợp tác xã Việt Nam
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh
thực hiện các giải pháp đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh
tế tập thể, hợp tác xã; tập trung thực hiện đổi mới công
tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị
trong nước và toàn cầu; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất,
kinh doanh, nâng cao năng suất lao động khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
15. Các Bộ, ngành, Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng
cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng,
cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển,
nâng cao năng suất lao động. Đối với một số lĩnh vực, có
thể cho phép áp dụng các mô hình thử nghiệm thể chế, chính sách với thời gian,
phạm vi cụ thể.
b) Thực hiện các chính sách kinh tế
ưu đãi về thuế, tín dụng... đối với các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền công
nghệ cao, hiện đại; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, sáng tạo, ứng
dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu
để tăng năng suất, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ việc sớm
áp dụng tự động hóa và đầu tư cho công nghệ tự động hóa và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số nhằm chủ động tận dụng cơ hội
của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
16. Yêu cầu Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương
Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Liên minh hợp tác xã Việt Nam;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- Tổng cục Thống kê;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b)
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|