Chỉ thị 07/2007/CT-UBND tiếp tục triển khai thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy do tỉnh Quảng Nam ban hành
Số hiệu | 07/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 26/01/2007 |
Ngày có hiệu lực | 05/02/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Nam |
Người ký | Lê Minh Ánh |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2007/CT-UBND |
Tam Kỳ, ngày 26 tháng 01 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY
Qua 5 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy (có hiệu lực thi hành ngày 04/10/2001) lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng đã hạn chế được sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Tuy nhiên, công tác phòng cháy và chữa cháy vẫn còn có những thiếu sót, tồn tại; một số lãnh đạo các cấp, các ngành, đơn vị, cơ sở chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư cho công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC); nguy cơ cháy và cháy lớn vẫn tiềm ẩn ở các cơ sở trọng điểm, khu dân cư, chợ, bệnh viện, xăng dầu, cơ sở sản xuất và kinh doanh khác.
Để tiếp tục triển khai thực hiện pháp luật Phòng cháy và chữa cháy trong thời gian đến nhằm chủ động tốt công tác phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra; UBND tỉnh chỉ thị:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh xây dựng, triển khai ngay kế hoạch tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Phòng cháy và chữa cháy phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình; đề ra những nội dung cấp bách cần thực hiện ngay và những vấn đề cơ bản cần đầu tư thực hiện trong một vài năm, việc đề ra kế hoạch, triển khai thực hiện cần bám sát vào nội dung phương hướng, nhiệm vụ PCCC đến năm 2010 của UBND tỉnh; đến năm 2010 cơ bản đưa công tác PCCC đi vào nề nếp; trước mắt cần tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp cụ thể sau đây:
a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC và kiến thức về PCCC cho nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên các trường phổ thông trung học, dạy nghề ...; xây dựng phong trào quần chúng tham gia phòng cháy và chữa cháy rộng khắp, làm cho công tác PCCC thật sự là trách nhiệm của toàn dân, đồng thời xác định rõ và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở và của mỗi người dân trong việc thực hiện công tác PCCC.
b) Chỉ đạo xây dựng và củng cố lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng dân phòng; đầu tư trang bị phương tiện và các điều kiện đảm bảo cho lực lượng này hoạt động có hiệu quả, đồng thời hướng dẫn để lực lượng này có đủ trình độ chuyên môn, có đủ điều kiện thực hiện phòng cháy và tham gia chữa cháy đạt hiệu quả trong mọi tình huống. Địa phương, đơn vị nào chưa có lực lượng dân phòng, lực lượng cơ sở, lực lượng chuyên ngành về PCCC thì phải có kế hoạch xây dựng ngay. Năm 2007 phải tổ chức xong việc bồi dưỡng kiến thức Luật phòng cháy và chữa cháy, kiến thức PCCC cho đội ngũ cán bộ Lãnh đạo cấp xã, phường và từng bước bồi dưỡng cho đội ngũ trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng dân phố và người đứng đầu cơ sở trở lên.
c) Chỉ đạo ngay việc rà soát bổ sung, xây dựng và triển khai phương án chữa cháy đối với tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó đặc biệt chú ý các phương án xử lý cháy, nổ phải huy động nhiều lực lượng tại địa phương, ngành mình, đồng thời trực tiếp chỉ đạo diễn tập các phương án nhằm đảm bảo giải quyết theo nguyên tắc lực lượng và phương tiện tại chỗ.
d) Tổ chức kiểm tra, rà soát toàn diện về thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ tại địa phương, ngành, cơ sở mình, đợt kiểm tra này cần có sự tham gia của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và Lãnh đạo địa phương. Đến hết Quý II năm 2007, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải thực hiện xong việc kiểm tra toàn diện về PCCC tại địa phương, ngành, đơn vị mình và báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo, đồng thời có kế hoạch tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập, tồn tại để cải thiện điều kiện an toàn PCCC mà lâu nay chưa giải quyết được, nhất là việc đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ, bệnh viện, xăng dầu, khu dân cư dễ cháy, các kho vật liệu nổ, cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao ... Địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị nào để xảy ra cháy thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
đ) Hàng năm, các địa phương, đơn vị phải tổng kết và định kỳ 6 tháng có sơ kết đánh giá kết quả phòng cháy, rút kinh nghiệm chữa cháy, không để xảy ra cháy rồi mới kiểm điểm. Các đơn vị, địa phương cần lấy bài học vừa qua của tỉnh Bình Định (vụ cháy Chợ Lớn - Quy Nhơn) để chủ động triển khai thực hiện việc chấp hành pháp luật PCCC ở địa phượng, đơn vị, ngành mình.
2. Ban chỉ đạo phòng cháy và chữa cháy rừng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương có rừng trong phạm vi trách nhiệm của mình cần tổ chức triển khai Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường các biện pháp PCCC rừng. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy rừng; chủ động cảnh báo, dự báo cháy rừng; tăng cường vai trò và trách nhiệm của chủ rừng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác PCCC. Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì phối hợp Công an tỉnh và các UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát lên danh sách các khu rừng dễ cháy đặc biệt rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn ... để có phương án đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy, đồng thời tham mưu UBND tỉnh có phương án tổng thể huy động nhiều lực lượng để chữa cháy rừng.
3. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, các Khu Công nghiệp, cụm Công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả về PCCC và hướng dẫn các chủ đầu tư chấp hành nghiêm về PCCC theo đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ trước khi thi công, mở rộng công trình và trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Có quy chế phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh về quản lý công tác PCCC vừa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nhưng phải thực hiện đúng pháp luật về PCCC; yêu cầu các Ban Quản lý dự án và các đơn vị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn thiện các yêu cầu về giao thông, cấp nước đảm bảo cho công tác PCCC. Chủ động xây dựng phương án PCCC, phương án xử lý cháy, nổ huy động nhiều lực lượng phối hợp chữa cháy tại các Khu, cụm Công nghiệp.
4. Công an tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức PCCC trong toàn tỉnh; tích cực chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC để đưa công tác PCCC đi vào nề nếp; tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác PCCC đối với các cấp, các ngành đặc biệt là các Khu Công nghiệp, khu dân cư tập trung, chợ, bệnh viện, trường học, cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ ...; kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về PCCC, kể cả việc tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động; đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng các quy định về PCCC hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong PCCC gây hậu quả nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng pháp luật. Sớm trình UBND tỉnh phê duyệt đề án xây dựng Đội Cảnh sát PCCC tại Khu Kinh tế mở Chu Lai. Tập trung xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy, hiện đại, chuyên sâu và chuyên nghiệp, bổ sung đủ biên chế, được tăng cường về cơ sở vật chất, có trình độ kỹ thuật, chuyên môn cao. Xây dựng các phương án xử lý cháy, nổ lớn cần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ nay đến hết Quý II năm 2007 phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức tổng kiểm tra về PCCC tại các chợ, bệnh viện trên địa bàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.
5. UBND thị xã Hội An chủ trì phối hợp với các ngành, Ban Quản lý các dự án tại thị xã, nhất là các dự án phát triển du lịch có kế hoạch trang bị xe chữa cháy phù hợp với điều kiện chữa cháy tại phố cổ, đồng thời xây dựng đề án tổng thể đảm bảo an toàn PCCC cho khu phố cổ Hội An.
6. Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh trong việc cấp phép xây dựng các công trình phải thực hiện các yêu cầu về PCCC theo đúng quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy.
7. Sở Thương Mại chủ trì phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 2844/QĐ-UB ngày 16/7/2003 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch định hướng phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, các cửa hàng xăng dầu nào không đảm bảo các điều kiện an toàn để kinh doanh, nằm trong diện giải tỏa theo quy định phải thực hiện ngay và đến hết Quý II năm 2007 báo cáo UBND tỉnh.
8. Sở Văn hóa Thông tin, Đài phát thanh truyền hình tỉnh và Báo Quảng Nam, Chuyên mục truyền hình An ninh Quảng Nam có kế hoạch thường xuyên tuyên truyền về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác để cán bộ và nhân dân trong tỉnh chủ động triển khai thực hiện.
Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ 6 tháng báo cáo UBND tỉnh./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN |