Chỉ Thị 07/1998/CT-UB về tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 07/1998/CT-UB
Ngày ban hành 30/05/1998
Ngày có hiệu lực 09/06/1998
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hoàng Văn Nghiên
Lĩnh vực Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/1998/CT-UB

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 1998 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật luôn có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội. Trong giai đoạn mới của đất nước và Thủ đô Hà Nội hiện nay, công tác này lại càng trở nên quan trọng, cần được đổi mới, tăng cường, đẩy mạnh về nhiều mặt.

Thực hiện Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/1/1998 về việc tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay; Thông tri số 07/TT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 10/6/1997 về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố.

ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Mỗi công chức viên chức Nhà nước và công dân thủ đô phải xác định rõ việc học tập, nghiên cứu để hiểu biết pháp luạt, thi hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của mình.

Công chức viên chức Nhà nước nói chung và cán bộ, viên chức ngành nội chính nói riêng phải gương mẫu trong việc giữ gìn kỷ cương phép nước và góp phần vào việc phổ biến và giáo dục pháp luật trong nhân dân Thủ đô.

2. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của Thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm kịp thời chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc đơn vị mình quản lý.

Trước mắt, cần tập trung làm tốt các việc sau đây:

a. Sớm củng cố, kiện toàn tổ chức để thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật từ thành phố đến cơ sở, lấy hệ thống cơ quan Tư pháp các cấp và bộ phận Pháp chế các ngành làm nòng cốt, chọn lựa, bố trí cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn về pháp luật để theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các ngành, các cấp nhất là ở cơ sở.

b. Những nội dung luật pháp cần được phổ biến, giáo dục bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của Thành phố. Cần tập trung vào các qui định về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, của cán bộ, viên chức khi thừa hành nhiệm vụ và trong các quan hệ pháp luật, các chủ trương, biện pháp về cải cách thủ tục hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, giữ gìn trật tự an toàn giao thông, các qui định về xây dựng, vệ sinh môi trường, quản lý đô thị, phòng chống tệ nạn xã hội ....

c. Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho phù hợp với đặc điểm từng cấp, ngành, đoàn thể, địa phương và phù hợp với từng đối tượng (cán bộ quản lý, công nhân viên chức, giáo viên, học sinh, thanh thiếu niên, phụ nữ ...). Chú trọng hình thức phổ biến tuyên truyền qua hệ thống loa đài, các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, sinh hoạt chuyên đề, nói chuyện pháp luật, tư vấn pháp luật, hòa giải các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi tuyên truyền viên về pháp luật, thi người hòa giải giỏi, sinh hoạt câu lạc bộ pháp lý ....

d. Huy động đông đảo lực lượng tham gia công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành, các đoàn thể, từng bước thực hiện xã hội hóa công tác này nhằm đạt hiệu qủa sâu rộng và thiết thực.

3. Phân công trách nhiệm cụ thể:

a. Sở Tư pháp: - Có trách nhiệm giúp ủy ban nhân dân thành phố soạn thảo, chương trình, kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố, là đầu mối phối hợp giữa các Sở, Ban, Ngành đoàn thể của Thành phố, ủy ban nhân dân các quận huyện để chỉ đạo, triển khai và kiểm tra công tác này.

- Chịu trách nhiệm biên soạn và cung cấp tài liệu, đề cương phổ biến, giáo dục pháp luật để sử dụng trên địa bàn thành phố. Phối hợp với các ban, ngành tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ công tác hòa giải, giúp ủy ban nhân dân Thành phố hàng năm tổ chức hội nghị đánh giá, tổng kết công tác hòa giải trên địa bàn thành phố Hà Nội.

b. Sở Văn hóa Thông tin và các cơ quan báo, đài của Hà Nội (Báo Hà Nội mới, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, báo An ninh Thủ đô, Phụ nữ Thủ đô, Tuổi trẻ Thủ đô ...) phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các loại hình đa dạng và phong phú như thông tin tuyên truyền cổ động, sinh hoạt câu lạc bộ ... Hàng tuần, các báo, đài phải dành thời lượng và các chuyên mục riêng để tuyên truyền phổ biến pháp luật cho các tầng lớp nhân dân.

Cần có các biện pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên để các bài viết về pháp luật có chất lượng và có sức thuyết phục. Đồng thời thường xuyên theo dõi kiểm tra nhằm đảm bảo tính chính xác của những tài liệu được sử dụng để phổ biến, giáo dục pháp luật.

c. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch, biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong trường học, bảo đảm thời gian và chất lượng các bài giảng về pháp luật trong chương trình chính khóa, đa dạng hóa nội dung giáo dục pháp luật qua các hoạt động ngoại khóa. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức pháp lý cho giáo viên dạy pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong giáo viên và học sinh Thủ đô.

- Phải gắn việc dạy và học pháp luật với việc thi hành pháp luật của giáo viên và học sinh, thường xuyên giáo dục ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, đấu tranh chống các hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật ngay trong các trường học, góp phần giữ gin trật tự an toàn xã hội, phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội khác.

d. Ban Tổ chức chính quyền thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong và các ban, ngành, đoàn thể hữu quan để xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo học tại trường. Phối hợp với các Sở, ngành đưa nội dung pháp luật phù hợp vào các cuộc thi tuyển, nâng bậc, chuyển ngạch công chức, viên chức. Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên đề về pháp luật cho cán bộ, nhân viên ở các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội.

đ. ủy ban nhân dân các quận huyện có trách nhiệm thường xuyên chỉ đạo tổ chức kiểm tra thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong phạm vi địa phương mình.

e. Quân khu Thủ đô, Công an thành phố chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch, biện pháp để chỉ đạo triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang của Thủ đô.

g. Sở Tài chính Vật giá Hà Nội có trách nhiệm cấp kinh phí phục vụ triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo dự toán được ủy ban nhân dân thành phố duyệt.

h. Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của thành phố phối hợp với các Ban của Thành ủy Hà Nội (Ban Tuyên giáo, Ban Nội chính, Ban Dân vận, Văn phòng, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong), với ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Hội nông dân, Hội Luật gia, ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em, Hội sinh viên thành phố ... tổ chức thực hiện công tác phổ biến pháp luật đến cán bộ, Đảng viên, và nhân dân thủ đô.

k. Sở Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của thành phố chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ hàng năm tổ chức tổng kết đánh giá và đề xuất cấp trên khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực công tác này.

 


Nơi nhận:
- TTg, VPCP, VPTW Đảng (để b/c)
- Bộ Tư pháp
- Thường trực TƯ, HĐND, UBND thành phố
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể của thành phố
- UBND Quận, Huyện
- Các cơ quan báo, đài
- Lưu VT.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TP HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên