Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2014 triển khai thi hành Luật Đất đai do tỉnh Bình Phước ban hành
Số hiệu | 06/CT-UBND |
Ngày ban hành | 28/02/2014 |
Ngày có hiệu lực | 28/02/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Phước |
Người ký | Nguyễn Văn Trăm |
Lĩnh vực | Bất động sản,Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/CT-UBND |
Bình Phước, ngày 28 tháng 02 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc ổn định xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế của đất nước; bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý đất đai.
Để đảm bảo các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, kỷ cương theo hướng hiện đại; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã tập trung tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để thi hành Luật đất đai
a) Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai
Trước khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai và nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan phát thanh tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tại địa phương.
Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn và báo chí ở địa phương có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức đến từng tổ chức, từng người dân.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Phước có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật đất đai và các văn bản dưới luật; mở chuyên trang, chuyên mục để giới thiệu về những nội dung đổi mới quan trọng của Luật đất đai.
Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn và các tổ chức đoàn thể khác xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về đất đai đến các hội viên, đoàn viên.
b) Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thi hành Luật đất đai.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm:
+ Nghiên cứu góp ý đối với dự thảo các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật đất đai; Nghị định quy định phương pháp xác định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất; Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
+ Rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai do HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành từ năm 2013 trở về trước để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.
+ Kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh được giao trong Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành ngay sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành.
- Sở Tài chính chủ trì, Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm nghiên cứu góp ý đối với dự thảo các Nghị định của Chính phủ như: Nghị định về thu tiền sử dụng đất; Nghị định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
- Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực ngành, địa phương mình quản lý những nội dung có liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của Luật đất đai.
c) Kiện toàn tổ chức bộ máy và đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đất đai.
Trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh kiện toàn bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý đất đai đáp ứng yêu cầu tăng cường công tác quản lý đất đai ở địa phương. Trong đó tham mưu UBND tỉnh kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Chi cục Quản lý Đất đai, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Tổ chức phát triển quỹ đất.
2. Tổ chức thực hiện tốt Luật Đất đai, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất.
a) Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của 10/10 huyện, xã đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã thực hiện hoàn thành việc lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã trước ngày 01/7/2014.
- Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Chính phủ phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tỉnh cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016 - 2020).
- UBND các huyện, thị xã công bố công khai và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cho phù hợp với quy định của Luật Đất đai khi lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2016 - 2020); tổ chức lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để làm căn cứ cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương.
b) Chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, thị xã thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tùy tiện, gây lãng phí nguồn lực đất đai; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang sử dụng vào mục đích khác; đẩy mạnh việc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; rà soát toàn bộ diện tích đất đai đang sử dụng các tổ chức sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang nhân dân, các nông trường, lâm trường để có hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Luật đất đai khi có hiệu lực thi hành.