Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2022 về tăng cường quản lý biên chế và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Kết luận 28-KL/TW giai đoạn 2022-2026 do thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 29/07/2022
Ngày có hiệu lực 29/07/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Đà Nẵng, ngày 29 tháng 7 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ BIÊN CHẾ VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TINH GIẢN BIÊN CHẾ, CƠ CẤU LẠI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC THEO KẾT LUẬN SỐ 28-KL/TW NGÀY 21/02/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ GIAI ĐOẠN 2022-2026

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố đà tích cực triển khai và thực hiện tốt các quy định về quản lý, sử dụng biên chế, số lượng người làm việc, đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế 10% theo yêu cầu của Trung ương giao. Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đội ngũ công chức, viên chức được nâng cao chất lượng, cơ cấu theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, trình độ đào tạo và vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo tinh giản biên chế, nhất là xây dựng, phê duyệt danh mục, định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở để đặt hàng, tăng tỷ lệ tự chủ về tài chính tại các đơn vị sự nghiệp còn hạn chế, chần chừ, thiếu quyết liệt. Số lượng biên chế giảm nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan, đơn vị.

Thực hiện Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị, Công văn số 1838-CV/TU ngày 11/5/22022 của Thành ủy Đà Nẵng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, để đảm bảo thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 một cách chủ động, thống nhất và có hiệu quả, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Về quản lý tổ chức bộ máy

a) Triển khai việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành, chính, đơn vị sự nghiệp theo các Đề án đã được UBND thành phố phê duyệt; chủ động đề xuất việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

b) Chỉ thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập để đáp ứng các dịch vụ sự nghiệp cơ bản, thiết yếu nhà nước phải đảm bảo và các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp mới do yêu cầu của công tác quản lý nhà nước và xã hội đặt ra nhưng phải kiểm soát chặt chẽ, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định và đảm bảo tiêu chí, điều kiện theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ.

c) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các đơn vị, xây dựng vị trí việc làm, quản lý biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và hoạt động dịch vụ, sự nghiệp để giảm biên chế.

d) Tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất chuyển giao dịch vụ hành chính công cho tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước khi đủ điều kiện. Ưu tiên rà soát một số nhiệm vụ có tính chất hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước chuyển sang hợp đồng cung cấp dịch vụ đối với tổ chức, đơn vị trong và ngoài công lập hoặc giao nhiệm vụ đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc nhằm tách biệt chức năng quản lý nhà nước và hoạt động hỗ trợ, phục vụ.

đ) Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực đối với các sự nghiệp công, dịch vụ công đã cổ phần hóa, chuyển giao; thực hiện công khai, minh bạch trong đặt hàng, đấu thầu; giám sát thường xuyên chất lượng cung ứng dịch vụ đảm bảo quyền lợi của người dân và hiệu quả sử dụng ngân sách.

2. Về quản lý, sử dụng biên chế

a) Tiếp tục thực hiện các biện pháp tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với các cơ quan, địa phương, đơn vị theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 56-KH/TU ngày 17/6/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy; Giai đoạn 2022-2026, không tăng biên chế công chức, giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.

b) Khẩn trương thực hiện tuyển dụng viên chức đối với chi tiêu số lượng người làm việc chưa sử dụng; thực hiện cơ cấu lại, bố trí, phân công công tác, vị trí việc làm phù hợp; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức theo đúng quy định.

c) Đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên: đề xuất lộ trình đến năm 2026 giảm tối thiểu 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách so với chỉ tiêu giao năm 2021.

Đối với các đơn vị có nguồn thu cao (từ 70% trở lên) và ổn định phải đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự đảm bảo chi thường xuyên hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Đối với các chỉ tiêu hưởng lương từ nguồn ngân sách (tương ứng với tỷ lệ chưa tự chủ tại đơn vị), thành phố sẽ thực hiện lộ trình thu hồi biên chế để đẩy mạnh tự chủ.

d) Khẩn trương tham mưu ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý; thực hiện lộ trình xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, giá dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các đơn vị sự nghiệp đã có hướng dẫn của bộ chuyên ngành về danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế kỹ thuật thì phải hoàn thành trong vòng 01 (một) năm kể từ ngày văn bản hướng dẫn có hiệu lực; trường hợp văn bản hướng dẫn có hiệu lực đã hơn 01 năm thì phải hoàn thành trong năm 2022.

Đối với các đơn vị đã có hướng dẫn của Bộ chuyên ngành nhưng không tham mưu ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, lộ trình tự chủ thì sẽ thực hiện cắt giảm 2% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách hàng năm.

đ) Thực hiện các giải pháp về ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công, định mức kinh tế kỹ thuật; xây dựng lộ trình thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công nhằm tăng tỷ lệ tự chủ tài chính, đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ theo hướng tự bảo đảm chi thường xuyên tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo chỉ đạo tại Công văn số 1628/UBND-SNV ngày 18/3/2022 của UBND thành phố.

3. Giao nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị

a) Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND các quận, huyện

- Chủ động rà soát, điều tiết, cân đối để sử dụng hợp lý, hiệu quả chỉ tiêu, đội ngũ giáo viên và không vượt định mức số lượng người làm việc theo số trường, lớp học.

- Quản lý chặt chẽ số lượng trường, lớp tại các cơ sở giáo dục công lập. Đảm bảo quy trình lấy ý kiến các cơ quan liên quan trong quá trình quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư trường học. Khi thành lập trường học mới phải rà soát, xem xét khả năng đáp ứng của các trường tư thục trên địa bàn; lấy ý kiến Sở Nội vụ và địa phương có liên quan kể cả trường hợp đã có trong quy hoạch để chủ động trong việc bố trí giáo viên, đội ngũ phục vụ.

- Rà soát mạng lưới trường học hiện có và quy hoạch trường học, xây dựng, nâng cấp, mở rộng các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố theo hướng:

Khuyến khích đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập, nhất là bậc giáo dục mầm non; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh hợp lý tỷ lệ tuyển sinh giữa khối công lập và tư thục nhằm giảm bớt áp lực biên chế và ngân sách cho sự nghiệp giáo dục; hạn chế tuyển sinh trái tuyển làm mất cân đối cơ sở trường lớp, bố trí giáo viên giữa các địa bàn.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập nhằm đảm bảo làm mới, thay thế các cơ sở giáo dục đã xuống cấp; đánh giá, xem xét kỹ trước khi phát sinh các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập mới, nhất là các địa bàn có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi hoặc đã có các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập và ngoài công lập đáp ứng nhu cầu tuyển sinh.

- Rà soát để xây dựng phương án tuyển sinh theo khu vực, quy mô dân số. Nghiên cứu hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế.

- Rà soát, đánh giá nguồn thu, tỷ lệ tự chủ tại các trường học để thực hiện việc kí kết hợp đồng lao động có thời hạn từ nguồn tự chủ đảm bảo nhân lực hoạt động khi chưa có nguồn biên chế để bổ sung.

- Rà soát, xây dựng kế hoạch dồn ghép, sắp xếp giảm các điểm trường trên địa bàn nhằm giảm biên chế gián tiếp (quản lý, hỗ trợ, phục vụ...).

[...]