Chỉ thị 06/CT-UBND năm 2020 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên; thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Số hiệu 06/CT-UBND
Ngày ban hành 21/04/2020
Ngày có hiệu lực 21/04/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Lào Cai
Người ký Trịnh Xuân Trường
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 06/CT-UBND

Lào Cai, ngày 21 tháng 4 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG TỰ NHIÊN; THỰC VẬT, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (gọi tắt là Chỉ thị số 13-CT/TW); Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng rừng vẫn còn những tồn tại, hạn chế: một số cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên chưa nghiêm; vẫn còn hiện tượng khai thác, chặt phá, buôn, bán gỗ, lâm sản trái phép; sử dụng các sản phẩm thực vật, động vật rừng thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm trái pháp luật, làm gia tăng áp lực về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng quản lý, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị chủ rừng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Thực hiện nghiêm việc quán triệt, triển khai, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, như: Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW; Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm hại với các loại động vật hoang dã trái pháp luật; Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 01/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 24/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình số 15/CTr-UBND ngày 18/9/2019 của UBND tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2030.

2. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý chặt đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, không để tình trạng khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra trên địa bàn, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền về hạn chế sử dụng gỗ rừng tự nhiên, nhất là sử dụng gỗ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc; khuyến khích lựa chọn sử dụng các sản phẩm gỗ rừng trồng, gỗ công nghiệp hoặc các loại vật liệu khác thay thế.

3. Đẩy mạnh, tăng cường công tác quản lý động, thực vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp theo đúng quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

4. Tăng cường, quản lý chặt các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản, các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm hoặc đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép cơ sở không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp, không phù hợp với quy hoạch, điều kiện gây nuôi, nhốt động vật hoang dã đúng quy định.

5. Trách nhiệm của các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp; tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, quản lý chặt đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, không để tình trạng khai thác gỗ trái phép xảy ra, kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật; tuyên truyền không sử dụng gỗ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng thay thế; tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển rừng trồng sản xuất đáp ứng nhu cầu nguyên liệu gỗ cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; khuyến khích các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, kinh doanh, phát triển thương mại gỗ rừng trồng;

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nuôi, trồng các loài động, thực vật hoang dã, chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, buôn bán động, thực vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất của chúng theo quy định.

- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, không sử dụng gỗ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc; bố trí kinh phí thực hiện ngăn chặn khai thác, vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép theo quy định hiện hành.

- Sở Công Thương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt định hướng quy hoạch phát triển, sắp xếp lại công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản trên địa bàn tỉnh.

- Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hình thành Trung tâm Logistic, trong đó có gắn với sản phẩm gỗ và lâm sản để gia tăng giá trị của mặt hàng lâm sản tại Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành, thành phố Lào Cai.

- Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài động, thực vật hoang dã tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là các sản phẩm thuộc danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ và phụ lục Công ước CITES.

6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể các cấp; các cơ quan thông tin đại chúng, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tích cực tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên; không sử dụng gỗ rừng tự nhiên không rõ nguồn gốc, khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng, sử dụng vật liệu khác thay thế; tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn các loài động vật hoang dã và Công ước CITES; kịp thời đưa tin những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc về bảo tồn, kiểm soát buôn, bán động vật hoang dã để nhân rộng; lên án những hành vi, việc làm trái quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước CITES.

Căn cứ nội dung chỉ đạo, Thủ trưởng các đơn vị triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT PCT1,2,3;
- UBMTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Công an tỉnh; Cục Hải quan tỉnh;
- BCH Quân sự tỉnh, BCH BĐBP tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Lào Cai, Đài PTTH tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm tỉnh;
- CVP, PCVP2;
- BBT Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH1,2,3, NLN1,2,3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Xuân Trường

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ