Chỉ thị 06/2009/CT-UBND về giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, ngăn chặn suy giảm kinh tế do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành

Số hiệu 06/2009/CT-UBND
Ngày ban hành 11/03/2009
Ngày có hiệu lực 21/03/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Lê Văn Chất
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 06/2009/CT-UBND

Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 3 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP, NGĂN CHẶN SUY GIẢM KINH TẾ

Thực hiện Luật Doanh nghiệp, trong 6 năm qua dưới sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành và hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Hoạt động của các loại hình doanh nghiệp đã có bước phát triển mới, không ngừng tăng cả về số lượng và chất lượng. Công tác đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh; đa số các doanh nghiệp sau cổ phần hoá và chuyển đổi có chiều hướng phát triển tốt. Khối doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã từng bước được quan tâm. Đến nay đã có 1.508 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, với vốn đăng ký bình quân đạt trên 6,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; trong đó có 80% số doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả: thu hút trên 4 vạn lao động, đóng góp hơn 30% số thu ngân sách trên địa bàn, ...

Tuy vậy, sự phát triển của doanh nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tốc độ phát triển doanh nghiệp còn chậm so với kế hoạch đề ra, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất vật chất còn ít, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ bé, công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, thương hiệu sản phẩm hàng hóa của Hà Tĩnh còn ít, việc làm và thu nhập của người lao động còn thấp, chưa ổn định,...

Năm 2009, bên cạnh những thuận lợi cơ bản như: sự chỉ đạo, giúp đỡ có hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương; các công trình, dự án trọng điểm lớn trên địa bàn đang được triển khai quyết liệt; các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đang dồn sức cho việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2009 thì hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn, thách thức: hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; ảnh hưởng của suy giảm kinh tế có tác động lớn đến sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, một bộ phận người lao động có nguy cơ thiếu và mất việc làm; nguồn lực các doanh nghiệp cả về tài chính và nhân lực còn bất cập, việc huy động vốn đầu tư còn khó khăn, ...

Để tiếp tục thực hiện các chủ trương của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Các Sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; Quyết định 14/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vay vốn của Ngân hàng thương mại; Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ "ban hành một số giải pháp về thuế nhằm thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp”; Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 23/01/2009 về việc “hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh”; Thông tư số 02/2009/TT-NHNN ngày 03/02/2009 của Ngân hàng Nhà nước Quy định chi tiết thi hành việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức tín dụng và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh về việc hỗ trợ và các giải pháp để giúp doanh nghiệp.

2. Các địa phương, đơn vị với các giải pháp sát thực, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2009: tăng trưởng kinh tế đạt trên 11,5% (trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 21,6%), thu ngân sách nội địa 820 tỷ đồng, tạo việc làm khoảng 3,2 vạn lao động, ...

3. Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2009. Các Sở, ngành, các địa phương, đơn vị tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, nhất là công trình trọng điểm. Các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án chỉ đạo các đơn vị thi công tập trung nhân lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đã được ghi kế hoạch vốn XDCB năm 2009, đảm bảo giải ngân nhanh các nguồn vốn, góp phần hoàn thành và phát huy hiệu quả các công trình. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ban, ngành, các địa phương làm việc với các Bộ, ngành Trung ương và các nhà đầu tư nhằm huy động các nguồn vốn cho xây dựng kết cấu hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng và di dân, tái định cư. Chủ động rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn, phấn đấu sớm đưa vào sản xuất, phát huy năng lực một số công trình: Trung tâm thương mại khách sạn Hà Tĩnh, Nhà máy Bia Toàn Cầu, Nhà máy thuỷ điện Hương Sơn, Nhà máy luyện thép Vũng Áng (Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh), thuỷ điện Hô Hố,...

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo kế hoạch được phê duyệt, chú trọng các dự án sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp phụ trợ trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

5. Tập trung giải quyết kịp thời các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng bàn giao cho các doanh nghiệp (chủ đầu tư) để triển khai thực hiện các dự án.

6. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Phát triển và các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất, thúc đẩy doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh. Cục Thuế có kế hoạch chủ động làm việc với các doanh nghiệp xác định mức giảm thuế giá trị gia tăng và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Các Chi nhánh Ngân hàng và Cục Thuế cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm triển khai các biện pháp hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra các hiện tượng lợi dụng, làm trái quy định của Chính phủ.

7. Sở Công Thương chủ trì hướng dẫn thực hiện các biện pháp kích cầu tiêu dùng; phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thị trường, đảm bảo chất lượng và nguồn cung hàng hoá, chống gian lận thương mại, đầu cơ tăng giá nhất là các loại vật tư, nguyên liệu thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng.

8. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, người có công và các đối tượng chính sách khác, đảm bảo an sinh xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai công tác điều tra, xác định chính xác tỷ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 19/2/2009 của UBND tỉnh; có kế hoạch hỗ trợ đời sống và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đúng đối tượng; Đồng thời khảo sát nắm chắc số lao động bị mất việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và số lao động đi làm việc ở các địa phương khác bị mất việc làm do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, đề xuất các biện pháp giải quyết việc làm hoặc hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh gắn với việc triển khai Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 và Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về bảo hiểm thất nghiệp.

9. Tổ chức thực hiện:

- Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung Chỉ thị này, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện một cách cụ thể; Định kỳ hàng tháng, quý kiểm tra, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh tình hình, kết quả thực hiện.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ công tác với sự tham gia của các Sở, ban ngành cấp tỉnh nhằm hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các doanh nghiệp.

- Các cơ quan thông tin đại chúng chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tăng thời lượng phát tin, thực hiện một cách kịp thời, có chất lượng.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Văn phòng UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện và đánh giá mức độ hoàn thành của từng ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị đề xuất các biện pháp, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- TT UBMTTQ tỉnh;
- Giám đốc các Sở, ban, ngành cấp tỉnh,
- TT HĐND, UBND các huyện, t.phố, thị xã,
- Chánh, Phó VP/UB,
- Các Tổ CV/VP (theo dõi, đôn đốc),
- TT Công báo - Tin học tỉnh (để đăng tải),
- Lưu: VT, TH1.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Văn Chất

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ