Chỉ thị 05/CT-UBND tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 do tỉnh Kon Tum ban hành

Số hiệu 05/CT-UBND
Ngày ban hành 22/01/2024
Ngày có hiệu lực 22/01/2024
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/CT-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 01 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN VỊ, ĐỊA PHƯƠNG TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2024

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, với sự nỗ lực và cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt được một số kết quả khả quan, diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người dân có nhiều thay đổi và chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện rõ nét. Trong năm 2023, cơ bản đã thực hiện đảm bảo theo nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới đề ra, đến nay toàn tỉnh đã có 48/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó đã có 42 xã được công nhật đạt chuẩn nông thôn mới), số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trên xã đến nay là 16 tiêu chí; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã được các địa phương quan tâm thực hiện, qua đó đã có 04 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 21 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 36 thôn (làng) đạt chuẩn thôn nông thôn mới..., người dân đã nhận thức rõ được vai trò trách nhiệm của mình và tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới với ngày càng nhiều mô hình tiêu biểu, gương điển hình, có hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục như: Kết quả thực hiện của tỉnh đang còn ở mức thấp so với một số địa phương trên cả nước, một số chỉ tiêu đề ra vẫn chưa đạt được; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế, tiến độ xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu còn chậm; trong đó có một số nguyên nhân chính: Là những năm đầu thực hiện theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025 và có nhiều tiêu chí có mức độ đạt chuẩn tương đối cao, bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu mới cần phải có thời gian mới đảm bảo hoàn thành; chưa có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là người đứng đầu chưa thể hiện được vai trò trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của chương trình; trách nhiệm của các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh chưa cao, chưa thực sự tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được phân công; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chưa được phát động thực hiện sâu rộng; chưa có giải pháp huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới; việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức...

Để tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30 tháng 9 năm 2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị năm 2024; Nghị quyết số 64/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phê duyệt kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quyết định số 733/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc giao kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành được phân công phụ trách các tiêu chí nông thôn mới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 05 tháng 12 năm 2023 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng đảng và hệ thống chính trị năm 2024, Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và các văn bản có liên quan, trong đó tập trung một số nội dung như sau[1]:

1. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024, gồm:

- Đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới: Phấn đấu có thêm 07 xã, gồm: Xã Đăk Trăm - huyện Đăk Tô, xã Hơ Moong - huyện Sa Thầy, xã Đăk Long - huyện Đăk Hà, xã Măng Bút - huyện Kon Plông, xã Măng Ri - huyện Tu Mơ Rông, xã Đăk Chooong - huyện Đăk Glei và xã Ia Tơi - huyện Ia H’Drai đạt chuẩn xã nông thôn mới theo quy định.

- Đối với xã nông thôn mới nâng cao: Phấn đấu có thêm 03 xã, gồm: Xã Pờ Y - huyện Ngọc Hồi, xã Đăk Ngọk - huyện Đăk Hà, xã Ia Dom - huyện Ia H’Drai đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; đồng thời đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cần phải tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí.

- Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu: Phấn đấu có thêm 01 xã: xã Sa Nhơn - huyện Sa Thầy đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, các địa phương tiếp tục lựa chọn xã đã được công nhận nông thôn mới nâng cao tiêu biểu trên địa bàn để chỉ đạo xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

- Đối với huyện nông thôn mới, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới: Phấn đấu huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

- Đối với thôn đạt chuẩn Thôn nông thôn mới kiểu mẫu: Các địa phương chủ động tiếp tục lựa chọn và chỉ đạo thực hiện xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu (tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần xây dựng có ít nhất 01 nnThôn nông thôn kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí).

- Đối với thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Năm 2024 phấn đấu mỗi xã có 01 thôn (làng) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới (ngoài danh sách 95 thôn (làng) thực hiện điểm các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo kế hoạch năm 2023 và 04 xã không còn thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: Sa Nhơn, Sa Nghƿa và Sa Sơn của huyện Sa Thầy và xã Hà Mòn của huyện Đăk Hà).

- Các địa phương phải tiếp tục tổ chức thực hiện và hoàn thành mục tiêu ngay trong năm 2024 đối với các xã chưa đạt mục tiêu thuộc Kế hoạch các năm trước (Xã nông thôn mới: xã Ngọc Tụ và xã Văn Lem thuộc huyện Đăk Tô; xã nông thôn mới nâng cao: xã Đoàn Kết và xã Hòa Bình thuộc thành phố Kon Tum; xã Sa Nghƿa thuộc huyện Sa Thầy; xã Đăk Pét thuộc huyện Đăk Glei; xã Diên Bình và xã Tân Cảnh thuộc huyện Đăk Tô) và các thôn (làng) vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện điểm các cấp (tỉnh, huyện, xã) chưa hoàn thành trong năm 2023.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động triển khai các giải pháp phù hợp, theo quy định, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trong đó cần chú trọng, tập trung các nội dung sau:

- Nâng cao trách nhiệm chính trị trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt khắc phục tình trạng trông chờ từ nguồn hỗ trợ của ngân sách cấp trên (Trung ương, tỉnh); chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân bên cạnh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

- Các địa phương cân đối vốn đối ứng từ ngân sách địa phương bố trí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bảo đảm theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh về tỷ lệ đối ứng giữa các cấp ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chủ động lồng ghép, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư hoàn thành các dự án, thực hiện hiệu quả các nội dung, hoạt động của Chương trình, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo giữa các chương trình mục tiêu quốc gia, phù hợp với thực tế, đúng quy định của pháp luật.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, gắn với cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghƿ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững".

- Thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí nông thôn mới; đồng thời triển khai xây dựng xã nông thôn mới nâng cao đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; rà soát, lựa chọn các xã, thôn tiêu biểu, điển hình để tổ chức triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

- Trong năm 2024 và các năm tiếp theo, phải phấn đấu 100% số xã nông thôn mới đảm bảo duy trì đạt chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững, phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu ở những địa phương có điều kiện theo mục tiêu đề ra. Riêng đối với 04 xã nông thôn mới hiện nay có số tiêu chí không duy trì đạt chuẩn trên 30% (xã Ia Chim thuộc thành phố Kon Tum; các xã: Đăk Pét, Đăk Môn và Đăk Kroong thuộc huyện Đăk Glei), các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện duy trì đạt chuẩn các tiêu chí, không để tình trạng phải thu hồi quyết định công nhận xã nông thôn mới theo quy định.

3. Về xây dựng huyện nông thôn mới/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

- Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Hồi tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới vào cuối năm 2024; đồng thời các địa phương (các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Ia H’Drai và thành phố Kon Tum) cần tăng cường các giải pháp triển khai thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới để đảm bảo đạt chuẩn vào năm 2025 theo lộ trình đã đề ra.

- Các sở, ngành được phân công phụ trách tiêu chí huyện nông thôn mới, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các địa phương trong rà soát và tổ chức thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí chuyên ngành do đơn vị phụ trách (trong năm 2024 tập trung hỗ trợ thực hiện huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn huyện nông thôn mới); Riêng các sở, ngành có nội dung tiêu chí huyện nông thôn mới do ngành trực tiếp quản lý, phải chủ động phối hợp với địa phương để thực hiện và chịu trách nhiệm về đạt chuẩn chỉ tiêu, tiêu chí do ngành trực tiếp thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông tập trung tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để quyết tâm xây dựng hoàn thành mục tiêu năm 2024 có ít nhất 01 xã nông thôn mới (xã Măng Ri) và đến năm 2025 phải có ít nhất 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

5. Đề nghị Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, chính quyền cấp huyện, thành phố, đặc biệt là người đứng đầu: Cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để việc xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào toàn dân. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền và sự tham gia của các hội, đoàn thể ở cơ sở; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể, gắn trách nhiệm với kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.

6. Thủ trưởng các sở, ban ngành được phân công phụ trách tiêu chí: Căn cứ chức năng và nhiệm vụ được phân công, thường xuyên theo dõi, bám sát cơ sở để kịp thời phát hiện các vướng mắc, khó khăn và hỗ trợ, xử lý dứt điểm đối với từng tiêu chí chưa đạt của các địa phương; đồng thời có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ địa phương trong thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí chuyên ngành.

7. Chế độ báo cáo và trách nhiệm thực hiện của Thủ trưởng các sở, ban ngành được phân công phụ trách tiêu chí, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Định kỳ trước ngày 15 hằng tháng và tháng cuối quý báo cáo kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới về Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh nếu thực hiện chế độ báo cáo không đảm bảo thời gian theo quy định.

- Căn cứ vào mục tiêu và nhiệm vụ được phân công, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện mục tiêu đề ra, trong đó:

[...]