Chỉ thị 05/2011/CT-UBND tăng cường thực hiện các biện pháp trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 05/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 23/02/2011
Ngày có hiệu lực 05/03/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Thanh Nguyên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2011/CT-UBND

Tân An, ngày 23 tháng 02 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP TRONG BẢO VỆ RỪNG VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

Trong thời gian qua, triển khai thực hiện các quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã ban hành Chỉ thị số 03/2006/CT-UBND ngày 23/01/2006 về việc tăng cường thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, được triển khai thực hiện đến các ngành, các cấp và các chủ rừng, nên các vụ cháy rừng được phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng. Tuy vậy, tình trạng cháy rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng, vận chuyển, kinh doanh, mua bán lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra trên địa bàn tỉnh gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và môi trường sinh thái.

Tiếp tục thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng quy định tại Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triền rừng; Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng và phát triển rừng; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 08/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, khai thác rừng trái phép và Chỉ thị số 270/CT-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo như sau:

1. Các sở, ngành tỉnh:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ huy (BCH) Bảo vệ rừng và Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm thường trực.

BCH Bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ các thành viên trong ban, đảm bảo BCH hoạt động có hiệu quả.

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình về công tác bảo vệ rừng, PCCCR; kịp thời tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chủ trương và các giải pháp bảo vệ rừng, PCCCR; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ rừng, PCCCR để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng, PCCCR trong cộng đồng dân cư; phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện tổ chức tập huấn, diễn tập PCCCR; theo dõi cấp dự báo cháy rừng thông tin kịp thời để dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên phạm vi toàn tỉnh.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên ngành (Công an, Quân đội, Bộ đội biên phòng) theo Thông tư liên tịch số 144/2002/TTLT/BNNPTNT-BCA-BQP ngày 13/12/2002 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc phối hợp giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội trong công tác bảo vệ rừng; Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng; Thông tư liên tịch số 98/2010/TTLT-BQP-BNNPTNT ngày 19/7/2010 của Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng theo Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ để ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, sử dụng, tiêu thụ, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu lâm sản trái pháp luật; tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra.

Tổ chức Văn phòng thường trực BCH Bảo vệ rừng và PCCCR tỉnh đặt tại Chi cục Kiểm lâm, giúp BCH theo dõi công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên phạm vi toàn tỉnh.

Đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; đồng thời xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng, PCCCR.

b) Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác bảo vệ rừng và PCCCR; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ địa phương trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR.

c) Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính cân đối bố trí kinh phí hàng năm cho các ngành và các địa phương để tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.

d) Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Long An có trách nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về bảo vệ rừng, PCCCR; tăng thời lượng tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR, kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

đ) Các sở, ngành khác tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh.

2. UBND các huyện có rừng:

Thành lập BCH Bảo vệ rừng và PCCCR cấp huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các chủ rừng tăng cường thực hiện nghiêm túc các biện pháp trong bảo vệ rừng, PCCCR, xác định công tác bảo vệ rừng, PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm trong suốt mùa khô.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR; các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ rừng, PCCCR; xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ rừng, PCCCR ở cộng đồng dân cư thôn, xóm nơi có rừng.

Phối hợp với các lực lượng chuyên ngành (Kiểm lâm; Công an; Quân sự; Bộ đội biên phòng) đóng quân trên địa bàn thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR; tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng có thể xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ “ Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập BCH Bảo vệ rừng và PCCCR; hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR; đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCCR; tổ chức nạo vét hoặc đào mới kênh mương, đắp đập làm cống giữ nước bảo đảm có đủ nguồn nước để PCCCR; tổ chức tuần tra, canh gác kiểm soát lửa rừng, tăng cường quản lý các hoạt động đốt đồng để sản xuất nông nghiệp và các hành vi dùng lửa khác phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chịu trách nhiệm về bảo vệ rừng, PCCCR trên diện tích rừng quản lý.

Yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện có rừng, các chủ rừng triển khai thực hiện nghiêm nội dung chỉ thị này. Chỉ thị này, thay thế Chỉ thị số 03/2006/CT-UBND ngày 23/01/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An về việc tăng cường thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Chi cục Kiểm lâm;
- Phòng Cảnh sát PCCC-Công an tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Trung tâm Tin học;
- Phòng NC-KT;
- Lưu: VT, Nh;
CT-05_23-02-2011_PCCCR-2011

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Nguyên