Chỉ thị 05/2007/CT-UBND tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, bệnh cúm A (H5N1) ở người và an toàn vệ sinh thực phẩm do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 05/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 05/02/2007
Ngày có hiệu lực 15/02/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Ao Văn Thinh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2007/CT-UBND

Biên Hòa, ngày 05 tháng 02 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN GIA SÚC, GIA CẦM, BỆNH CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI VÀ AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Từ đầu năm 2006 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không xảy ra dịch cúm gia cầm và không có trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) ở người; dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc đã được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ và tiềm ẩn tái bùng phát dịch rất cao do dịch cúm gia cầm vẫn đang xảy ra ở một số nước trong khu vực và đã tái phát ở một số tỉnh Miền Tây Nam Bộ, mầm bệnh LMLM chưa được diệt triệt để, vì gia súc có thể khỏi về triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn mang mầm bệnh (3 - 4 tuần đối với heo, 2 - 3 năm đối với trâu bò, 9 tháng đối với cừu, 4 tháng đối với dê); Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã phát hiện gia súc có triệu chứng bệnh LMLM ở một số nơi, cơ quan thú y đã xử lý kịp thời không để lây lan thành dịch; sau một thời gian không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Để phát huy kết quả đã đạt được, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, bệnh cúm A (H5N1) ở người và an toàn vệ sinh thực phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng, vật nuôi từ huyện đến xã để chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, bệnh cúm A (H5N1) ở người và an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt chú trọng công tác tiêm vắcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

- Kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở xã, thôn. Việc kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, có hình thức xử lý những tổ chức, cá nhân không thi hành triệt để chỉ đạo phòng chống dịch của cấp trên.

- Tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể nhân dân hiểu, nhận thức rõ về nguy hại của dịch cúm gia cầm đối với phát triển chăn nuôi và sức khỏe con người; thành lập các đội xung kích, tổ tuyên truyền lưu động để việc tuyên truyền được đến tận thôn, ấp. Chỉ đạo Đài phát thanh địa phương có chương trình phòng chống cúm gia cầm phát hàng ngày; vận động nhân dân tự giác tham gia phòng, chống dịch. Tổ chức đưa tin chính xác về bệnh trên gia súc, gia cầm và bệnh cúm A (H5N1) ở người, không để gây hoang mang trong nhân dân.

- Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, vận động các tổ chức đoàn thể tại địa phương cùng tham gia giám sát dịch, phát hiện sớm các ổ dịch nhằm bao vây, dập tắt dịch khi còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch lây lan ra diện rộng và lây sang người.

- Rà soát công tác tiêm phòng, thống kê số gia cầm có mặt trên địa bàn chưa được tiêm, nhu cầu vắcxin, phương tiện tiêm phòng, bảo hộ lao động cho người tiêm phòng.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai tiêm vắcxin phòng bệnh cho đàn gia súc trên địa bàn quản lý, cần tăng cường hơn nữa công tác tiêm phòng bổ sung vắcxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm ở các địa phương có tỷ lệ bảo hộ thấp, số gia cầm còn lại chưa được tiêm hoặc nuôi mới, đặc biệt là thủy cầm.

- Tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường thường xuyên tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chế biến, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi có ổ dịch cũ, hố chôn gia súc, gia cầm bệnh,…

- Chỉ đạo các Đội kiểm tra liên ngành tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn, nhất là các trường hợp giết mổ, buôn bán gia cầm sống tại các chợ, các trục lộ giao thông trong nội thành, nội thị, các trường hợp vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.

- Khẩn trương xây dựng kế hoạch tiêm phòng bệnh cúm gia cầm năm 2007, kế hoạch phòng chống khẩn cấp bệnh cúm gia cầm, lưu ý kế hoạch phải gắn với giải pháp chống dịch nếu dịch xảy ra.

- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về việc ấp nở, tiêm phòng trước khi xuất bán gia cầm giống của các cơ sở ấp nở sản xuất con giống.

- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tái lập, củng cố hoạt động của các chốt kiểm dịch tạm thời đảm bảo công tác kiểm dịch có hiệu quả cao, ngăn chặn vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc từ địa phương này sang địa phương khác.

2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với các địa phương, Sở, ngành, đơn vị liên quan, tăng cường giám sát diễn biến tình hình dịch tể đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, giám sát chặt chẽ việc tiêm phòng trước khi xuất bán gia cầm giống của các cơ sở ấp nở sản xuất con giống.

- Cung cấp kịp thời và đầy đủ vật tư, vắcxin, thuốc sát trùng,… phục vụ công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và tiêu độc khử trùng.

- Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y trong vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm.

- Phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm phòng bổ sung vắcxin cúm gia cầm cho đàn gia cầm ở các địa phương có tỷ lệ bảo hộ thấp, số gia cầm còn lại chưa được tiêm hoặc nuôi mới, đặc biệt là thủy cầm.

- Xây dựng kế hoạch tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường năm 2007, kế hoạch phòng chống khẩn cấp dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, lưu ý giải pháp chống dịch nếu có dịch xảy ra.

3. Giám đốc Sở Y tế

Giám đốc Sở Y tế xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ nhân lực và vật lực phục vụ công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người; chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường giám sát dịch bệnh, xử lý kịp thời nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh.

4. Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch

Phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan chỉ định địa điểm buôn bán gia cầm sống ở các chợ nông thôn, địa điểm buôn bán thịt gia cầm sau giết mổ và trứng gia cầm ở các chợ trong thành phố Biên Hòa, thị xã, thị trấn để người kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm có địa điểm kinh doanh buôn bán phục vụ nhân dân.

Tăng cường công tác kiểm tra việc kinh doanh gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm; chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y các điểm buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm nhất là thịt gia cầm sau giết mổ và trứng gia cầm ở các chợ đảm bảo điều kiện cách ly, khử trùng tiêu độc và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, buôn bán gia cầm sống tại các chợ trong nội thành, nội thị, chỉ cho phép buôn bán sản phẩm động vật đã qua kiểm dịch, có dấu kiểm dịch của ngành thú y tại các chợ trên địa bàn.

5. Giám đốc Sở Tài Chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương đề xuất UBND tỉnh chính sách cấp bách phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; đồng thời chuẩn bị đủ kinh phí để triển khai khẩn cấp công tác phòng chống dịch (nếu có dịch xảy ra).

[...]