Chỉ thị 04/CT-BYT năm 2015 đẩy mạnh thực hiện chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 trong ngành y tế do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 04/CT-BYT
Ngày ban hành 13/02/2015
Ngày có hiệu lực 13/02/2015
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/CT-BYT

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2015

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA LẠM DỤNG ĐỒ UỐNG CÓ CỒN ĐẾN NĂM 2020 TRONG NGÀNH Y TẾ

Ngày 12 tháng 02 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 244/QĐ-TTg về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Chính sách quốc gia) với mục tiêu phòng ngừa và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững. Để đẩy mạnh việc thực hiện Chính sách quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc thực hiện những nội dung sau:

1. Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn:

a) Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phổ biến, quán triệt các nội dung của Chính sách quốc gia cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị mình.

b) Tổ chức phát động xây dựng cơ quan, đơn vị không lạm dụng đồ uống có cồn, ký cam kết giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện nghiêm quy định cấm sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không sử dụng đồ uống có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

c) Cán bộ, nhân viên y tế có trách nhiệm tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về tác hại và biện pháp giảm tác hại của đồ uống có cồn trong đó chú trọng tư vấn, dự phòng cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và người bệnh đang sử dụng đồ uống có cồn; tham gia tuyên truyền cho người dân tại cộng đồng về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

2. Tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Chính sách quốc gia:

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chính sách quốc gia tại cơ quan, đơn vị và chú trọng các nhiệm vụ sau đây:

- Chỉ đạo đưa nội dung phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vào kế hoạch hoạt động hàng năm; thực hiện nghiêm quy định cấm sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực; người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng đồ uống có cồn vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và tổ chức, giám sát việc thực hiện.

- Phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định của Chính sách quốc gia tại cơ quan, đơn vị mình. Không xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng và có các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, thường xuyên để xảy ra tình trạng vi phạm quy định của Chính sách quốc gia tại cơ quan, đơn vị mình.

- Chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn từ ngân sách được cấp hàng năm của đơn vị và các nguồn kinh phí phù hợp khác.

b) Các vụ, cục và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương triển khai thực hiện các hoạt động đã được phân công tại Quyết định số 3179/QĐ-BYT ngày 22/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch tổ chức thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

- Vụ Pháp chế khẩn trương hoàn thiện Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn để trình Quốc hội thông qua.

- Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn và chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

- Cục An toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đồ uống có cồn; phòng, chống ngộ độc thực phẩm do đồ uống có cồn.

- Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc, can thiệp sớm, điều trị bệnh lý liên quan đến đồ uống có cồn, điều trị cai nghiện và phòng, chống tái nghiện cho người lạm dụng đồ uống có cồn.

- Văn phòng Bộ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy định không lạm dụng đồ uống có cồn tại Cơ quan Bộ Y tế, tổ chức lồng ghép phổ biến Chính sách quốc gia trong các hội nghị, cuộc họp do Lãnh đạo Bộ chủ trì; tổng hợp, báo cáo các trường hợp không thực hiện nghiêm quy định tại các cuộc họp giao ban của Bộ.

- Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Cục Y tế dự phòng và các đơn vị liên quan xây dựng và nhân rộng mô hình cơ sở y tế không lạm dụng đồ uống có cồn tại nơi làm việc và kịp thời đề xuất Lãnh đạo Bộ biểu dương khen thưởng những cá nhân và tập thể thực hiện tốt.

c) Sở Y tế có trách nhiệm chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chính sách quốc gia và bảo đảm các điều kiện về nhân lực, kinh phí và các điều kiện khác cho triển khai thực hiện kế hoạch tại địa phương.

3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn:

a) Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính sách quốc gia và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

b) Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Chính sách quốc gia, đặc biệt thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định không lạm dụng đồ uống có cồn tại cơ sở y tế, cơ sở đào tạo của ngành, nơi làm việc theo quy định của Chính sách quốc gia.

4. Trách nhiệm thực hiện:

a) Cục Y tế dự phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

b) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.

Chỉ thị này được phổ biến đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành y tế và các đơn vị liên quan để nghiêm túc triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kịp thời phản ánh về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết./.

[...]