Chỉ thị 04/CT-BTC năm 2023 về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 04/CT-BTC |
Ngày ban hành | 24/11/2023 |
Ngày có hiệu lực | 24/11/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Hồ Đức Phớc |
Lĩnh vực | Kế toán - Kiểm toán,Công nghệ thông tin |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/CT-BTC |
Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ, GÓP PHẦN ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CHUYỂN ĐỔI SỐ
Thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Tài chính, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp hiện đại hóa công tác quản lý thuế, trong đó có việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 01/7/2022 và tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thuế điện tử, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí cho người nộp thuế. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập doanh nghiệp không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính, một số doanh nghiệp thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng, kê khai khống chi phí được trừ nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Một số vụ việc gian lận hoàn thuế, mua bán hóa đơn phức tạp có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều địa phương trên toàn quốc đã được các cơ quan báo chí phản ánh.
Ngày 18/11/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg về tăng cường quản lý sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý hóa đơn điện tử và phòng, chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế các cấp nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo chặt chẽ, toàn diện chức năng, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao theo quy định của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Công điện số 01/CĐ-BTC ngày 12/4/2023 và các công văn số 5427/BTC-VP ngày 26/5/2023, số 9280/BTC-VP ngày 31/8/2023 và số 11630/BTC-VP ngày 25/10/2023. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nội dung sau đây:
1. Khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trên cả nước được thông suốt, thuận lợi. Xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, tăng cường sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin hiện có của ngành, kết hợp với thực tế quản lý tại địa phương để xây dựng danh sách người nộp thuế có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn phải kiểm tra hoặc giám sát trọng điểm. Trên cơ sở đó, thực hiện phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể đến từng công chức, đội, phòng, Chi cục Thuế để rà soát, kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế hoặc bổ sung kế hoạch kiểm tra, thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế hàng năm theo quy định. Trường hợp xác định người nộp thuế không phát sinh vi phạm thì đưa ra khỏi danh sách giám sát trọng điểm.
2. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hóa đơn, hoàn thuế giá trị gia tăng: Phát hiện người nộp thuế sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp và xử lý theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn có dấu hiệu tội phạm thì củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Đối với những doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký thì ban hành thông báo về việc người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, đính kèm hồ sơ và chuyển cơ quan chức năng theo quy định.
Hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan chức năng phải đảm bảo tính pháp lý, xác định rõ dấu hiệu, hình thức và hành vi vi phạm về hóa đơn, xác định số tiền vi phạm. Các trường hợp chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng phối hợp thông tin liên quan đến hành vi vi phạm về thuế, về hóa đơn, cơ quan thuế phải theo dõi và tổng hợp kết quả xử lý đối với người nộp thuế.
3. Giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo kế hoạch hàng năm và đột xuất đối với các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn và về hoàn thuế GTGT cho các đơn vị.
4. Nâng cao phẩm chất đạo đức công vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức thuế, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo đủ năng lực kiểm tra, phát hiện, đấu tranh và xử lý đối với người nộp thuế có dấu hiệu mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp.
5. Cơ quan Thuế các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ công chức trong thực thi công vụ, cụ thể:
- Thực hiện đồng bộ các biện pháp để tăng cường kỷ cương, kỷ luật, phòng chống tham nhũng trong thực thi công vụ đối với công chức trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế, không để xảy ra tình trạng công chức thuế nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người nộp thuế hoặc làm ngơ, tiếp tay, tham gia vào các hoạt động mua bán, gian lận về hóa đơn, trục lợi trong hoàn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước.
- Đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, đặc biệt đối với công chức ở các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế; trường hợp công chức chưa đến thời hạn luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác nhưng trong thực thi công vụ có vi phạm bị kỷ luật hoặc phát sinh nhiều đơn thư tố cáo, phản ảnh về thực thi công vụ và phẩm chất đạo đức công chức thì phải xem xét xây dựng phương án để triển khai ngay việc điều động, chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
- Trường hợp do không thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý nên xảy ra tình trạng người nộp thuế thuộc phạm vi quản lý có hành vi vi phạm pháp luật mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý thì phải xem xét, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, cấp phó của người đứng đầu và công chức trực tiếp quản lý theo đúng quy định tại Luật Cán bộ, công chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007, Nghị định 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ và các văn bản quy định về trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó các đơn vị.
- Đối với những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong chỉ đạo, tham mưu, đề xuất các giải pháp mang lại hiệu quả thì phải kịp thời biểu dương, nhân rộng điển hình để các đơn vị khác học tập.
6. Chú trọng công tác tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương đối với nhiệm vụ quản lý thuế thường xuyên cũng như các vấn đề nhạy cảm, nổi cộm phát sinh đột xuất; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý thuế nói chung và quản lý hóa đơn điện tử, phòng, chống gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng nói riêng, đồng thời, triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để thúc đẩy việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
7. Tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu với các Bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Bộ Công an để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước theo quy định.
8. Tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, phổ biến pháp luật về hóa đơn điện tử (trong đó lưu ý đối với hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền) dưới nhiều hình thức đa dạng, chú trọng tuyên truyền bằng phương thức điện tử (Cổng thông tin điện tử, báo điện tử, fanpage, xây dựng clip, video, email, tin nhắn...) giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và trách nhiệm, hiệu quả của việc sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế về nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế; chủ động cảnh báo kịp thời các hành vi vi phạm, tội phạm về thuế, hậu quả pháp lý khi mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế; công khai thông tin tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp theo quy định của pháp luật. Tăng thời lượng tuyên truyền đối với người mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp để góp phần cảnh tỉnh, răng đe các đối tượng đã và đang có ý định mua hóa đơn không hợp pháp nhằm mục đích trốn thuế.
9. Cơ quan Thuế các cấp rà soát các vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện quy định về hóa đơn điện tử để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với thực tiễn và phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế các cấp khẩn trương triển khai và thực hiện nghiêm túc các nội dung trên./.
|
BỘ TRƯỞNG |