Chỉ thị 04/2007/CT-UBND về tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị định 119/2004/NĐ-CP về công tác Quốc phòng trong tình hình mới do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
Số hiệu | 04/2007/CT-UBND |
Ngày ban hành | 09/02/2007 |
Ngày có hiệu lực | 19/02/2007 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Ngãi |
Người ký | Nguyễn Xuân Huế |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2007/CT-UBND |
Quảng Ngãi, ngày 09 tháng 02 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 119/2004/NĐ-CP NGÀY 11/5/2004 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG TÁC QUỐC PHÒNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Ngày 11/5/2004 Chính phủ ban hành Nghị định 119/NQ-CP về công tác Quốc phòng trong tình hình mới, từ đó đến nay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố quán triệt và tổ chức thực hiện công tác quốc phòng đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân được củng cố, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, gắn quốc phòng với an ninh, quốc phòng – an ninh với kinh tế trong tình hình mới còn những tồn tại cần khắc phục, trong đó đáng chú ý nhất là việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chưa thường xuyên, chưa được đầu tư đúng mức; nhận thức và trách nhiệm của một số cán bộ ở các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, các địa phương còn chủ quan, lơ là, chưa chú trọng nhiệm vụ quốc phòng - quân sự trong thời bình, chưa tập trung xây dựng phòng thủ dân sự. Thế trận quốc phòng toàn dân chưa thật sự mạnh và vững chắc; chất lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực hiện công tác quốc phòng theo qui định chưa đi vào nề nếp, hiệu lực quản lý Nhà nước về quốc phòng, năng lực làm tham mưu của cơ quan quân sự địa phương và các Sở, Ban, Ngành còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu công tác quốc phòng trong tình hình mới.
Để tiếp tục thực hiện Nghị định 119/2004/NĐ-CP ngày 11/5/2004 của Chính phủ đạt hiệu quả chất lượng cao hơn, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện những nội dung sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị định 119/CP, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới.
- Nâng cao hiệu quả chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ các cấp và của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh theo Chỉ thị số 26/CT-TU của Tỉnh ủy. Nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập tổ chức thương mại Thế giới (WTO), giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa phương, cơ quan đơn vị.
2. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng – an ninh; gắn quốc phòng với an ninh; quốc phòng - an ninh với kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Các địa phương cần nắm vững và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng- an ninh trong xây dựng và thực hiện các dự án dài, trung và ngắn hạn; các dự án liên doanh, các khu công nghiệp; xây dựng và phát triển mô hình kinh tế- quốc phòng trên từng địa bàn cụ thể; kết hợp thực hiện tốt chính sách xã hội với chính sách hậu phương quân đội.
- Cơ quan Quân sự và Công an ở mỗi cấp cùng với các ngành có liên quan nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đối phó kịp thời với mọi âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch.
3. Tăng cường củng cố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên. Chú trọng việc giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, tổ chức diễn tập, duy trì các chế độ sẵn sàng chiến đấu, kiểm tra canh gác. Thực hiện công tác tuyển quân và động viên theo qui định.
4. Chỉ đạo xây dựng và điều chỉnh, bổ sung kịp thời các kế hoạch bảo đảm kinh tế - xã hội cho năm đầu chiến tranh của các Sở, Ban, Ngành (kế hoạch B), trên cơ sở quyết tâm phòng thủ của Cơ quan Quân sự. Các quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến của Cơ quan Quân sự cũng phải được điều chỉnh, bổ sung kịp thời trên cơ sở những phát triển mới về kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thường xuyên chăm lo xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc và quản lý, bảo vệ các công trình quốc phòng, căn cứ hậu phương và các tiềm lực quân sự ở địa phương. Triển khai xây dựng kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh về “xây dựng khu vực phòng thủ cơ bản liên hoàn vững chắc” theo Nghị quyết 01/TU của Tỉnh uỷ.
5. Để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng địa phương năm 2007, phải tổ chức thực hiện các nội dung trong Chỉ thị 24/CT-UBND ngày 23/12/2006 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quán triệt trong Hội nghị quân chính triển khai nhiệm vụ quân sự - quốc phòng.
6. Để phối hợp đồng bộ và có hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng ở địa phương, giao Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ các cấp, giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên theo chương trình quy định. Công tác tuyên truyền giáo dục quốc phòng cho toàn dân là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành; Sở Tư pháp phối hợp với Báo Quảng Ngãi, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục quốc phòng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
7. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan có liên quan, xây dựng, điều chỉnh bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
8. Để tăng cường cán bộ làm công tác quốc phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo có biên chế 01 đồng chí sỹ quan quân đội biệt phái làm công tác quốc phòng; các Sở, ban, ngành khác bố trí cán bộ kiêm nhiệm làm công tác quốc phòng.
9. Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh lập dự toán ngân sách tỉnh hàng năm, đảm bảo chi cho công tác quốc phòng địa phương theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
|