Chỉ thị 04/2001/CT-UB về triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực do tỉnh Lạng Sơn ban hành
Số hiệu | 04/2001/CT-UB |
Ngày ban hành | 29/03/2001 |
Ngày có hiệu lực | 29/03/2001 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lạng Sơn |
Người ký | Đoàn Bá Nhiên |
Lĩnh vực | Dịch vụ pháp lý |
ỦY BAN NHÂNDÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2001/CT-UB |
Lạng Sơn, ngày 29 tháng 3 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CÔNG CHỨNG, CHỨNG THỰC.
Ngày 08 tháng 12 năm 2000 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực, Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2001. Ngày 05/3/2001 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 01/2001/CT-TTg về triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực.
Để triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định số 75/2000/NĐ-CP và Chỉ thị số 01/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện ngay một số việc sau đây :
1. Phổ biến, tuyên truyền nội dung cơ bản của Nghị định số 75/2000/NĐ-CP sâu rộng trong cán bộ, công chức, chiến sỹ thuộc lực lượng vũ trang và trong nhân dân để cho mọi người hiểu rõ những nguyên tắc, nội dung cơ bản của Nghị định về công chứng, chứng thực.
2. Sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Tổ rà soát văn bản pháp quy, tiến hành việc rà soát các văn bản do địa phương ban hành và hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp với Nghị định 75 của Chính phủ.
Về việc sao y giấy tờ, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội và Ban Tổ chức chính quyền tiến hành rà soát để hủy bỏ các quy định bắt buộc người dân phải nộp bản sao y giấy tờ do Phòng Công chứng chứng nhận trong hồ sơ tuyển sinh, tuyển dụng, bổ nhiệm, tuyển lao động, giải quyết chính sách...; Sở Giáo dục & Đào tạo có trách nhiệm hướng dẫn các trường học, cơ sở giáo dục và đào tạo trong địa bàn tỉnh về việc cấp bản sao văn bằng, chứng chỉ và các giấy tờ khác từ sổ gốc, không dồn công việc cho cơ quan công chứng, chứng thực. Cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận giấy tờ xét thấy cần bản chính để đối chiếu, thì phải tự mình đối chiếu bản chụp với bản chính.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm tiến hành rà soát lại tổ chức, biên chế, trụ sở, phương tiện làm việc và cơ sở vật chất của Phòng Công chứng số 1 . Trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày Nghị định về công chứng, chứng thực có hiệu lực, phải thực hiện xong việc kiện toàn, sắp xếp lại bảo đảm cho Phòng Công chứng số 1 đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 26 của Nghị định về công chứng, chứng thực. Xây dựng đề án phân chia thầm quyền địa hạt của Phòng Công chứng Nhà nước số 1 và Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã trong việc công chứng, chứng thực trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định trước ngày 31/3/2001.
4. Sở Tài chính - Vật giá có trách nhiệm thẩm định và cấp kinh phí cho việc triển khai Nghị định của Chính phủ về công chứng, chứng thực và hướng dẫn Phòng Tài chính - Giá cả các huyện, thị xã thẩm định cấp kinh phí cho hoạt động công chứng, chứng thực.
5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét ủy quyền việc chứng thực cho Trưởng phòng Tư pháp và chỉ đạo Phòng Tư pháp bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác chứng thực của cấp mình theo quy định tại Điều 22 Nghị định 75/2000/NĐ- CP, đồng thời chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn bố trí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách Tư pháp làm công tác chứng thực và cử cán bộ Tư pháp cấp xã có đủ tiêu chuẩn quy định của Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 và Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/ 10/1998 giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong công tác chứng thực.
Những người được UBND các huyện, thị xã và UBND xã, phường. thị trấn ủy quyền thực hiện chứng thực theo quy định tại khoản 2 Điều 22 và khoản 2 Điều 24 của Nghị định về công chứng, chứng thực phải đăng ký chữ ký tại Sở Tư pháp xong trước ngày 31/3/2001.
6. Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm chấn chỉnh hoạt động công chứng, chứng thực tại địa bàn mình.
Người thực hiện công chứng, chứng thực phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc. Không gây phiền hà, sách nhiễu đối với tổ chức, cá nhân đến yêu cầu công chứng, chứng thực. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường. thị trấn chịu trách nhiệm về chất lượng và lề lối hoạt động chứng thực tại địa phương mình.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban. ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.
|
TM. UBND TỈNH LẠNG SƠN |