Chỉ thị 03/CT-UBND năm 2021 về chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 03/CT-UBND
Ngày ban hành 12/03/2021
Ngày có hiệu lực 12/03/2021
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Nguyễn Đình Trung
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/CT-UBND

Đắk Nông, ngày 12 tháng 3 năm 2021

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Trong những năm gần đây, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành từng bước được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng thực hiện đúng và đạt hiệu quả. Trình tự đầu tư xây dựng ngày càng thực hiện chặt chẽ hơn, các công trình được đầu tư cơ bản đáp ứng được mục tiêu dự án đặt ra, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được như trên thì hoạt động đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế phải được khắc phục như: Việc giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư, làm chủ đầu tư chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định; công tác bố trí nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được tiến độ dự án; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm; công tác quản lý chất lượng công trình và chất lượng công trình còn hạn chế dẫn đến nhiều công trình trong năm 2020 xảy ra sự cố,....

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, đồng thời chấn chỉnh, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Về giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư và làm Chủ đầu tư

- Đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do địa phương quản lý: Chủ tịch UBND các cấp giao cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 27 của Luật Đầu tư công năm 2019.

- Giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư: Thực hiện đúng theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020.

- Đối với công việc sửa chữa, bảo trì công trình thì giao cho các chủ quản lý sử dụng trực tiếp làm chủ đầu tư.

2. Về chậm tiến độ dự án, tiến độ thực hiện các gói thầu

- Các chủ đầu tư (đơn vị thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng) khi khởi công xây dựng công trình phải cam kết đảm bảo đáp ứng được tiến độ giải phóng mặt bằng theo tiến độ thi công. Trường hợp xét thấy không đảm bảo việc bàn giao mặt bằng theo tiến độ thi công thì không thực hiện việc khởi công xây dựng công trình. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về tiến độ triển khai thực hiện của gói thầu theo hợp đồng đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và trước người quyết định đầu tư.

- Cơ quan tham mưu việc giao vốn cho dự án đầu tư phải đảm bảo kế hoạch vốn theo tiến độ dự án, việc chậm tiến độ công trình do nguồn vốn bố trí chưa kịp thời thì Cơ quan tham mưu việc giao vốn cho dự án chịu trách nhiệm trước người quyết định đầu tư.

3. Công tác quản lý chất lượng công trình

- Yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng tuân thủ công tác quản lý chất lượng công trình đúng, đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và quy định khác có liên quan.

- UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa thực hiện đúng và đầy đủ phân công, phân cấp công tác quản lý chất lượng công trình, xử lý sự cố công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh Đắk Nông.

4. Về bảo hành công trình xây dựng

Yêu cầu các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện đúng quy định về bảo hành công trình theo Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ngày 23/5/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định bảo hành công trình xây dựng đối với các dự án xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do UBND các cấp quyết định đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

5. Lập và quản lý chi phí dự phòng của dự án đầu tư xây dựng

- Yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng công trình tổ chức lập và quản lý chi phí dự phòng xác định rõ định mức chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá; tuyệt đối không sử dụng chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh để thực hiện việc điều chỉnh yếu tố trượt giá và ngược lại.

- Trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán nếu không đảm bảo về định mức chi phí dự phòng thì cơ quan thẩm định, phê duyệt yêu cầu chủ đầu tư giải trình làm rõ hoặc lập lại hồ sơ theo quy định.

6. Về bảo trì công trình xây dựng trong giai đoạn sử dụng

- Tuân thủ đúng các quy định về bảo trì công trình theo Luật Xây dựng năm 2014, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ, Thông tư số 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017 của Bộ Xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.

- Xác định nội dung đầu tư bảo trì, cải tạo hay nâng cấp công trình trong việc đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, lập thẩm định, phê duyệt dự án, phân bổ kế hoạch vốn để tránh tình trạng sử dụng vốn không đúng mục đích (việc bảo trì và cải tạo, nâng cấp công trình phải hình thành các dự án độc lập do tính chất nguồn vốn khác nhau).

- Đối với công việc bảo trì công trình đã có hồ sơ, bản vẽ hoàn công trước đây thì sử dụng lại hồ sơ này để lập dự toán bảo trì (không tính chi phí thiết kế), đối với công trình cũ không có bản vẽ hoàn công thì tính bổ sung chi phí đo vẽ hiện trạng để lập dự toán sửa chữa.

7. Điều chỉnh, phát sinh trong đầu tư xây dựng

- Việc điều chỉnh, phát sinh phải tuân thủ Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Xây dựng năm 2014 và đảm bảo trình tự theo hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở Xây dựng.

- Nghiêm cấm việc điều chỉnh dự án, thiết kế xây dựng ngoài phạm vi cho phép của Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Xây dựng năm 2014 và các quy định có liên quan.

8. Tổ chức thực hiện

[...]