Chỉ thị 03/2012/CT-UBND về quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người có hành vi vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn của thành phố Cần Thơ
Số hiệu | 03/2012/CT-UBND |
Ngày ban hành | 20/07/2012 |
Ngày có hiệu lực | 30/07/2012 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Nguyễn Thanh Sơn |
Lĩnh vực | Giáo dục |
ỦY BAN NHÂN DÂN -------- |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2012/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 20 tháng 7 năm 2012 |
CHỈ THỊ
VỀ QUẢN LÝ, GIÁO DỤC, CẢM HÓA, GIÚP ĐỠ NGƯỜI CÓ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
Trong những năm gần đây, thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông được kiềm chế; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện và nâng cao, hệ thống chính trị được củng cố và vững mạnh. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm kinh tế và các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội vẫn còn chiếm tỉ lệ cao. Nguyên nhân là do một số nơi chưa có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn cho rằng phòng chống tội phạm là nhiệm vụ của lực lượng Công an. Công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người có hành vi vi phạm pháp luật vẫn còn hạn chế.
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, tồn tại yếu kém trong thời gian qua, tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1. Công an thành phố
a) Thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng và sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến an ninh trật tự sâu rộng trong các trường học và cộng đồng dân cư để người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật góp phần phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội một cách có hiệu quả.
b) Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi và kịp thời rà soát, lập danh sách, phân loại những người đã chấp hành xong án phạt tù, quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh trở về địa phương cư trú để tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện có kế hoạch chỉ đạo các ngành chức năng tiếp nhận, quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề tạo việc làm để ổn định cuộc sống và sớm hòa nhập cộng đồng; đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với những người có hành vi tái phạm tội hoặc vi phạm pháp luật khác.
c) Phối hợp với Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng Đề án triển khai Mô hình “Doanh nhân với công tác giữ gìn an ninh trật tự” nhằm đảm bảo các mục tiêu sau:
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, nhà hảo tâm, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh tự giác chấp hành pháp luật; vừa sản xuất kinh doanh giỏi, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội; tham gia quản lý, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề tạo việc làm cho những người có hành vi vi phạm pháp luật, góp phần cùng xã hội xóa bỏ các điều kiện, nhân tố mất ổn định ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi, tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nhân, nhà hảo tâm, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, tích cực giữa doanh nhân, nhà hảo tâm, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng trên lĩnh vực đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ, vừa ổn định trật tự an toàn xã hội, vừa thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trước mắt lấy địa bàn quận Thốt Nốt làm thí điểm triển khai thực hiện Đề án, sau đó nhân rộng ra các quận, huyện.
2. Sở Tư pháp
Tham mưu cho Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề cho những người đã từng có hành vi vi phạm pháp luật tại cộng đồng.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ động phối hợp cùng Công an thành phố và các sở, ngành tham gia xây dựng Đề án triển khai mô hình “Doanh nhân với công tác giữ gìn an ninh trật tự” đảm bảo thực hiện có tính khả thi cao.
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng chính sách xã hội, Công an thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ tình hình thực tế của địa phương tham mưu việc vận động thành lập, quản lý, sử dụng “Quỹ Doanh nhân phòng, chống tội phạm thành phố Cần Thơ” để thông qua cấp có thẩm quyền cho ý kiến tổ chức thực hiện.
4. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh thành phố Cần Thơ
Trực tiếp nhận và quản lý “Quỹ doanh nhân phòng, chống tội phạm thành phố Cần Thơ”. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện doanh nhân, nhà hảo tâm và chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có kế hoạch phân bổ, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và làm các thủ tục cho vay không lãi suất, nhằm mục đích đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho những người đã có hành vi vi phạm pháp luật hoàn lương ổn định cuộc sống.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động toàn dân tham gia phòng, chống, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tham gia giữ gìn an ninh trật tự, đa dạng hóa hình thức, biểu dương gương người tốt, việc tốt; nhân rộng điển hình tiên tiến đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật đã sớm hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định cuộc sống, kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cá nhân trên địa bàn xóa bỏ định kiến, kỳ thị với người có hành vi vi phạm pháp luật.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, Báo Cần Thơ và các cơ quan thông tin đại chúng
Mở các chuyên mục tập trung tuyên truyền về kết quả thực hiện Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố và phản ánh kịp thời các hoạt động, kết quả trong công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề tạo việc làm cho những người có hành vi vi phạm pháp luật tại xã, phường, thị trấn; đưa gương người tốt, việc tốt, các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống tội phạm để kịp thời khen thưởng nhằm động viên, khích lệ quần chúng nhân dân tích cực tham gia.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường”. Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật, chấp hành nghiêm pháp luật.
Phối hợp Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ những người chưa thành niên, học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em này được tiếp tục đến trường.
8. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phải có kế hoạch chỉ đạo cụ thể cho cán bộ, công chức chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ những người có hành vi vi phạm pháp luật mà lực lượng Công an đã lập danh sách, bàn giao. Cá nhân hoặc tổ chức được phân công quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ những người có hành vi vi phạm pháp luật phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình, hàng tháng có biên bản họp đánh giá nhận xét sự tiến bộ về từng người và đề ra phương hướng giáo dục trong thời gian tới. Cá nhân, tập thể nào quản lý, giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật tốt, tiến bộ, có việc làm ổn định, không tái phạm thì tùy theo thành tích đạt được sẽ được khen thưởng, nhân điển hình tiên tiến, thông báo cho đơn vị và địa phương học tập. Cá nhân, tập thể nào không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ để cho những người có hành vi vi phạm pháp luật tiếp tục tái phạm thì phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp.
9. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp với sở, ban, ngành thành phố, cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và lực lượng Công an có văn bản hướng dẫn quản lý, giáo dục số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và đề ra biện pháp thiết thực nhằm tăng cường công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề, tạo việc làm cho những đối tượng này. Đồng thời xem đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, các cấp, các ngành và mọi người dân phải tích cực tham gia, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban nhân dân các cấp. Đặc biệt phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các ngành, đoàn thể ở cơ sở để tham gia toàn diện, sâu rộng vào công tác này. Phối hợp với Công an thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện Chỉ thị này. Hàng năm tổ chức sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng công tác, cụ thể:
a) Tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục sâu rộng đến từng hộ, từng người ở cộng đồng dân cư về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người có hành vi vi phạm pháp luật, khơi dậy và phát huy truyền thống đạo lý, đoàn kết dân tộc, thương yêu đùm bọc, tương thân, tương ái với tình nghĩa xóm làng mà tích cực tham gia công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ, dạy nghề, tạo việc làm nhằm giúp đỡ họ mau chóng trở thành người tiến bộ, sớm sum họp gia đình và hòa nhập cộng đồng dân cư.