Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Chỉ thị 03/2009/CT.UBND thực hiện biện pháp phòng ngừa dịch cúm A (H1N1) ở người trên địa bàn quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 03/2009/CT.UBND
Ngày ban hành 18/05/2009
Ngày có hiệu lực 28/05/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Quận Bình Thạnh
Người ký Trần Thị Ngọc Anh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN BÌNH THẠNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2009/CT.UBND

Bình Thạnh, ngày 18 tháng 05 năm 2009

KHẨN

 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH CÚM A (H1N1) Ở NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN BÌNH THẠNH

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới dịch cúm A (H1N1) đã xảy ra tại 18 quốc gia, 2 quốc gia có trường hợp tử vong là Mexico và Mỹ. Tính đến ngày 03 tháng 5 năm 2009 tại Mỹ đã phát hiện 226 trường hợp dương tính với cúm A( H1N1), trong đó có 1 bé trai 23 tháng tuổi đến từ Mexico tử vong. Tại Mexico đã xác định 506 trường hợp mắc bệnh trong đó 19 trường hợp tử vong. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo rằng những diễn biến tại Mexico và Mỹ đã đặt cộng đồng quốc tế trước một tình trạng y tế khẩn cấp có quy mô toàn cầu và nâng mức báo động đại dịch lên cấp 5. Đến nay dịch cúm A (H1N1) có khả năng lây lan từ người sang người và tiếp tục lan rộng sang nhiều quốc gia khác như: Áo (1), Canada(85), Hồng Kông - Trung Quốc (1), Costa Rica (1), Đan Mạch (1), Pháp (2), Đức (8), Ai-len (1), Israel (3), Ý (1), Hà lan (1), Nam Triều tiên (1), Tây ban Nha (40), Anh (15), New Zealand (4), Thụy sĩ (1)… Tuy nhiên cho đến nay tại các ổ dịch chưa ghi nhận trường hợp heo mắc bệnh.

Thực hiện chỉ thị số 07/2009/CT-UBND ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cúm A (H1N1) ở người trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh;

Thực hiện công văn số 2157/SYT-NVY ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh về việc kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch cúm lợn A (H1N1) trên người tại thành phố Hồ Chí Minh;

Trước tình hình dịch cúm A (H1N1) trên người đang tiếp tục lan rộng; để chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân, tránh gây tâm lý hoang mang; Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, thủ trưởng các phòng ban, trung tâm và các đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch cúm A (H1N1) trên địa bàn quận Bình Thạnh như sau:

1. Giao các chủ tịch Ủy ban nhân dân phường:

a) Củng cố kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm (bao gồm cúm A (H1N1, H5N1) trên người và trên gia cầm, gia súc).

b) Khẩn trương tổ chức triển khai hệ thống giám sát phát hiện, cách ly kiểm dịch đối với người nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm cúm A (H1N1), đặc biệt đối với người nhập cảnh vào Việt Nam từ các nước, các vùng lãnh thổ có dịch bao gồm các hoạt động cụ thể như sau:

- Chỉ đạo công an phường, Ban điều hành khu phố, tổ dân phố tăng cường quản lý người nhập cảnh trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng theo dõi giám sát tình trạng sức khỏe của người nhập cảnh cư trú trên địa bàn; người cư trú trên địa bàn có tiếp xúc với người nhiễm hoặc có thể nhiễm cúm A (H1N1):

* Đối với người nhập cảnh từ các vùng có người mắc cúm A (H1N1) đã được xác định: thực hiện các biện pháp giám sát cấp 1 (theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế)

* Đối với người nhập cảnh cùng chuyến bay với người nghi ngờ nhiễm cúm A(H1N1): thực hiện các biện pháp giám sát cấp 2 (theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế)

* Đối với người nhập cảnh cùng chuyến bay với người nhiễm hoặc có thể nhiễm cúm A (H1N1): thực hiện các biện pháp giám sát cấp 3 (theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế)

* Đối với người có tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm cúm A (H1N1): thực hiện các biện pháp giám sát cấp 1 (theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế)

* Đối với người có tiếp xúc thông thường với người nhiễm hoặc có thể nhiễm cúm A (H1N1): thực hiện các biện pháp giám sát cấp 2 (theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế)

* Đối với người có tiếp xúc gần (người chăm sóc, sống cùng hay tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết đường hô hấp hoặc dịch cơ thể của người có thể nhiễm hay đã xác định nhiễm cúm A (H1N1): thực hiện các biện pháp giám sát cấp 3 (theo hướng dẫn cụ thể của ngành y tế)

- Chuẩn bị sẵn sàng ít nhất một khu vực cách ly kiểm dịch tập trung đối với những người thuộc diện phải giám sát cấp 3 theo chỉ định của ngành y tế.

c) Chỉ đạo Trưởng trạm y tế:

- Phối hợp với đội cơ động tuyến quận để giám sát kịp thời, chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly điều trị để cách ly người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A (H1N1)

- Phối hợp với tuyến trên để tổ chức chuẩn đoán xác định và điều trị kịp thời hiệu quả

- Phối hợp với Ủy ban mặt trận và Hội liên hiệp phụ nữ phường truyền thông giáo dục rộng rãi trong nhân dân hiểu biết rõ về dịch bệnh cúm A (H1N1) và cách phòng ngừa bệnh; vận động hội viên và nhân dân tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường. Có kế hoạch tổng vệ sinh môi trường hàng tuần vào ngày thứ bảy trên địa bàn từ các hộ dân đến khu ăn ở, sinh hoạt và khu vực công cộng.

d) Báo cáo kết quả thực hiện hàng ngày cho Trung tâm Y tế Dự phòng quận để tổng hợp báo cáo cho Sở Y tế và Ủy ban nhân dân quận (Phòng Y tế). Nơi nhận báo cáo: Khoa kiểm soát dịch bệnh - Trung tâm Y tế Dự phòng quận số 99/6 Nơ Trang Long, phường 11, điện thoại (08)2.2423.138, fax: (08) 35512.359 hoặc email: kiemsoatdichbenh_binhthanh@yahoo.com.vn.

đ) Hỗ trợ chi kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong cộng đồng.

2. Giao Phòng Y tế quận:

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận ban hành chỉ thị khẩn cấp phòng chống dịch cúm A (H1N1), thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cúm A (H1N1) cấp quận và phường. Giám sát điểm cách ly cộng đồng tại quận khi có dịch bệnh xảy ra và công tác tổ chức cấp cứu, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện quận. Theo dõi tình hình triển khai thực hiện ở các đơn vị và kịp thời báo cáo cho Thường trực Ủy ban nhân dân quận.

3. Giao Trung tâm Y tế Dự phòng quận:

- Triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho cộng đồng. Phân phối tờ bướm, tờ rơi với nội dung phòng chống bệnh đến các đơn vị. Tăng cường công tác thông tin giáo dục sức khỏe về dịch bệnh (nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng chống).

[...]