Chỉ thị 02/CT-VKSTC năm 2019 về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 02/CT-VKSTC |
Ngày ban hành | 22/03/2019 |
Ngày có hiệu lực | 22/03/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | Lê Minh Trí |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-VKSTC |
Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2019 |
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Trong nhiều năm qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã quan tâm quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế những nguyên nhân, điều kiện có thể làm phát sinh tham nhũng trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành đã nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành.
Tuy nhiên, công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Ngành; qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý hành vi của một số công chức, viên chức vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Để khắc phục những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước giao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu:
1. Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
a) Thường xuyên quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; cụ thể là Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về việc “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X” và Luật Phòng, chống tham nhũng.
Phối hợp với cấp ủy cùng cấp triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ” và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
b) Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự về tham nhũng; tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; nâng cao trách nhiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; đảm bảo việc xử lý tội phạm tham nhũng nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quản lý, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng pháp luật; xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và thường xuyên; kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Thực hiện đầy đủ “Quy chế về thực hiện dân chủ trong hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân”; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, đơn vị, quy định về định mức tiêu chuẩn, chế độ và quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng.
Chủ động chỉ đạo công tác tự thanh tra, kiểm tra, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, khắc phục sai sót và xử lý các hành vi tham nhũng; đồng thời bảo vệ, khen thưởng người dũng cảm tố cáo tham nhũng.
c) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn; việc kê khai, công khai bản kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002, Kết luận số 24-KL/TW ngày 05/6/2012, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thực hiện nghiêm và có hiệu quả công tác phối hợp trong việc xây dựng, quản lý, cung cấp, trao đổi thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật.
3. Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân:
a) Là đơn vị đầu mối trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tham mưu cho Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng; xây dựng và tham mưu việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng của Ngành theo phân cấp quản lý; theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định.
b) Tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về hành vi tham nhũng trong ngành Kiểm sát nhân dân; theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về minh bạch tài sản, thu nhập; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
c) Tham mưu với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình xử lý đối với việc kê khai tài sản không đúng quy định và đối với tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng theo quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý nghiêm đối với hành vi tham nhũng, hành vi trả thù, trù dập người tố cáo hoặc hành vi lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống người khác, gây mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao chất lượng công tác xử lý sau thanh tra, tích cực áp dụng các biện pháp hữu hiệu thu hồi tài sản thất thoát, xử lý kịp thời đối với hành vi cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng và việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo đối với những hành vi tham nhũng.
4. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Chỉ thị này đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, đơn vị mình quản lý để thực hiện.
Chánh Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra và định kỳ tổng hợp kết quả việc thực hiện Chỉ thị này trong phạm vi toàn Ngành, báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo.
Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương căn cứ những nội dung phù hợp để triển khai Chỉ thị này trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp./.
|
VIỆN TRƯỞNG |